Tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản
Với mục tiêu đưa nông sản sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến với thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản trên địa bàn. Hoạt động này càng được tăng cường hơn tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm.
Nhận thức rõ vai trò của công tác quản lý chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản (NLS) và thủy sản tỉnh phối hợp với các cấp, ngành trong tỉnh triển khai nhiều chương trình cho người dân tham gia.
Theo đó, đơn vị đã tổ chức được gần 140 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) cho các đối tượng là người quản lý, người trực tiếp tham gia sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản, nhất là tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Ông Hoàng Văn Bình (ở xã Phú Đô, Phú Lương) cho biết: Nhờ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, chúng tôi hiểu rằng sản xuất nông nghiệp sạch không chỉ bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng mà chất lượng sản phẩm, giá bán sẽ được nâng cao. Sản xuất sạch cũng giúp sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm chè tiêu thụ thuận lợi.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, hoạt động thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất cũng giúp cho công tác quản lý chất lượng NLS và thủy sản đạt kết quả tốt hơn.
Riêng trong năm 2024, Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thủy sản tỉnh thực hiện 2 cuộc kiểm tra liên ngành đối với 10 cơ sở; 4 cuộc kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành tại 33 cơ sở (trong đó 4 cơ sở dừng hoạt động, 17 cơ sở được kiểm tra đều chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh NLS, thủy sản).
Ngoài ra, Chi cục cũng tiến hành lấy 16 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP (các mẫu đều đạt yêu cầu).
Cùng với đó, Chi cục phối hợp tham gia vào các đoàn kiểm liên ngành do Trung ương, tỉnh tổ chức tại các huyện, thành phố, các ngành để kiểm tra hàng hóa, vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản phục vụ sản xuất nông nghiệp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kiểm tra công tác bảo đảm ATTP Tết Trung thu; kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức lấy 129 mẫu kiểm tra, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản, vượt trên 17% kế hoạch (các mẫu đều đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế). Đồng thời thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với 36 cơ sở; xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 2 cơ sở; giám sát sau xác nhận 2 cơ sở.
Lũy kế đến nay, Chi cục đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 59 cơ sở với 60 chuỗi.
Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thủy sản tỉnh, cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát đã góp phần cảnh báo, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm về ATTP. Qua đây cũng đòi hỏi các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đó giúp số vụ vi phạm về ATTP trên địa bàn tỉnh giảm hơn so với năm trước; các mẫu kiểm tra, giám sát được lấy đại diện ở nhiều địa điểm khác nhau chưa phát hiện dư lượng các chất độc hại vượt theo quy định của Bộ Y tế.
Thực tế cho thấy, hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng NLS và thủy sản đã góp phần ổn định chất lượng các sản phẩm chủ yếu ở địa phương, nhất là tại các xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và đóng góp tích cực phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng còn giúp Thái Nguyên hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững, “chắp cánh” cho nông sản bay cao, bay xa đến với các thị trường trong và ngoài nước…