Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm

2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Đề án 'Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025' và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' gắn với thực hiện quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 469/UBND-KT.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2025 trên địa bàn tỉnh, sau khi được UBND tỉnh ban hành, phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực từ xã hội hóa tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Đẩy mạnh trồng cây xanh phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp... Thời điểm tổ chức phát động Lễ trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tiến hành trong tháng 5-2025 hoặc vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn.

Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lâm sản, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo hướng phát triển nông lâm nghiệp sinh thái, hiện đại. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp...

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; gìn giữ, duy trì và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa lịch sử và môi trường trong hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; nhất là bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng.

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã trồng được 1.781.311 cây/739.055 cây xanh các loại, đạt 241,03% so với mục tiêu kế hoạch đặt ra (trong đó trồng mới được 40,39 ha rừng tập trung). Các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được kiểm soát chặt chẽ, không xảy ra tình trạng phá rừng hay khai thác lâm sản quy mô lớn hoặc có tính chất phức tạp, không xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Các vụ vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2025 trên địa bàn tỉnh, sau khi được UBND tỉnh ban hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Các đơn vị chủ rừng rà soát bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn. Tăng cường kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng, nhất là khu vực trọng điểm dễ xảy ra phá rừng, cháy rừng; thực hiện trồng rừng, chăm sóc, quản lý rừng trên địa bàn để cây rừng phát triển tốt.

N.K

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/168864/tang-cuong-quan-ly-bao-ve-rung-va-trong-cay-trong-rung-ngay-tu-dau-nam
Zalo