Tăng cường phòng ngừa, xử lý lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 139 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Công điện gửi Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Năm 2024, thiệt hại do lừa đảo trực tuyến ước tính 18.900 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Năm 2024, thiệt hại do lừa đảo trực tuyến ước tính 18.900 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Công điện nêu: Ngày 25/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, với nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, bước đầu đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình phối hợp liên ngành để xử lý nhanh, kịp thời các vụ, việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài khoản thanh toán, ví điện tử có nghi vấn liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật (hoàn thành trong quý I/2025)...

Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra khám phá các vụ án, vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường đàm phán, ký kết bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm với các nước trên thế giới, nhất là các nước chung đường biên giới với Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng...

Bộ TTTT chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới về lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng với nhiều hình thức để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa; chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý SIM có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác theo quy định…

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng khung pháp lý đối với VAs và VASPs (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó theo phân công nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 194 ngày 23/2/2024 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp tăng cường kiểm tra việc góp vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình, quy định thành lập doanh nghiệp...

Bộ Công thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, học viên, sinh viên về nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong quản lý, nhận diện, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại nắm tình hình công dân Việt Nam có liên quan đến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, hướng dẫn đối với công tác thu thập chứng cứ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án có quy mô đặc biệt lớn, có bị hại thuộc nhiều địa phương, các vụ án đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động, kịp thời phát hiện, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước; chỉ đạo Sở TTTT tăng cường công tác quản lý với các nhà mạng, siết chặt hoạt động cấp sim điện thoại, loại bỏ sim "rác", xử lý tình trạng sử dụng sim không chính chủ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ TTTT.

Giới chuyên gia an ninh mạng dự báo, năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán lượng tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ Deepfake được cải tiến và các công cụ AI tạo sinh khác sẽ giúp kẻ xấu tạo nội dung giả mạo khó lường hơn. Điện toán lượng tử, dù còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng cũng có khả năng phá vỡ các thuật toán mã hóa truyền thống, gây lo ngại lớn cho việc bảo vệ dữ liệu.
Hacker sẽ sử dụng AI để tự động hóa các cuộc tấn công. Công nghệ 5G phát triển sẽ kéo theo số lượng thiết bị IoT tăng mạnh và sẽ có nhiều lỗ hổng bảo mật trên các thiết bị này có thể bị khai thác, từ camera an ninh, đồng hồ thông minh đến thiết bị gia dụng.
Người dùng cá nhân cần trang bị kiến thức, sử dụng các công cụ bảo mật tiên tiến và cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ thông tin trên không gian mạng. Các cơ quan chức năng và tổ chức an ninh mạng cần phối hợp để đối phó hiệu quả với các thách thức mới, bảo vệ một không gian mạng an toàn và đáng tin cậy hơn.

K.Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-cuong-phong-ngua-xu-ly-lua-dao-chiem-doat-tai-san-su-dung-cong-nghe-cao-10297157.html
Zalo