Tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên

Ngày 27/3, Sở Y tế Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên năm 2025.

Năm 2023 tại Di Linh ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm với 15 người mắc, 2 người nguy kịch do ăn phải nấm rừng tự hái (nấm mũ khía nâu xám)

Năm 2023 tại Di Linh ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm với 15 người mắc, 2 người nguy kịch do ăn phải nấm rừng tự hái (nấm mũ khía nâu xám)

Thời gian gần đây, tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển xảy ra các vụ ngộ độc do ăn động vật, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (như nấm độc, côn trùng độc, quả rừng, cây rừng, cóc, so biển, cá nóc…), trong đó đã có những trường hợp tử vong và để lại di chứng cho những người bị ngộ độc dù được chữa khỏi.

Tại khu vực Tây Nguyên, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trong năm 2024, tại 5 tỉnh Tây Nguyên, số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên và số trường hợp tử vong đều gia tăng so với năm 2023. Số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong năm 2024 trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên là 10 vụ với 30 người mắc, 5 trường hợp tử vong; năm 2023 là 8 vụ với 39 người mắc, 1 trường hợp tử vong.

Thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên năm 2025, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 60/ATTP-NV ngày 17/3/2025 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về việc tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên.

Phối hợp với ngành pông nghiệp và các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong thu hái, đánh bắt, tiêu dùng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên… và phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong động vật, thực vật theo đặc điểm tình hình thực tế tại địa phương; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.

Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/y-te/202503/tang-cuong-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-do-doc-to-tu-nhien-f500158/
Zalo