Tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là hạn chế tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh tại các trường học.

Cắm biển cảnh báo các địa điểm nguy hiểm nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

Cắm biển cảnh báo các địa điểm nguy hiểm nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

Ngày 19/5/2024, vụ tai nạn thương tâm do trong lúc tắm không may trượt chân xuống hồ chứa nước tưới rau dẫn đến 4 bé trai tử vong; trong đó, có 2 anh em ruột sinh năm 2016 và 2018, 2 em còn lại sinh năm 2014 và 2016, đều ngụ tại thôn R'Chai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong công tác quản lý ao, hồ của gia đình; đồng thời tăng cường hướng dẫn, nhắc nhở và thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước đối với con em, đặc biệt là trong dịp hè.

Ghi nhận tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, mặc dù tai nạn đuối nước đã được giảm thiểu, tuy nhiên mỗi dịp hè đều xảy ra các vụ việc đuối nước thương tâm ở trẻ em, nhất là vùng nông thôn, nhiều ao, hồ tưới cà phê, sông, suối… Tính đến 19/11/2024, toàn tỉnh có 30 trẻ em tử vong do đuối nước.

Nguyên nhân chủ yếu là do các em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; cộng đồng và gia đình chưa nhận thức đúng mức và có trách nhiệm đối với việc phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Một số bộ phận gia đình còn khó khăn, do tập trung lo kinh tế nên ít dành thời gian cho việc bảo vệ trẻ em; buông lỏng quản lý, thiếu kiến thức, phương pháp và hướng dẫn cho trẻ cách phòng ngừa tai nạn đuối nước.

Ngoài ra, môi trường gia đình, cộng đồng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; tỷ lệ ao, hồ, sông, suối, công trình công cộng… được rào chắn hoặc cắm biển cảnh báo còn thấp; chưa thật sự nhận được sự quan tâm thích đáng của chính quyền địa phương và gia đình trong áp dụng các biện pháp an toàn cho trẻ em.

Cùng với đó, do hạn chế về nguồn lực nên việc triển khai tổ chức chương trình dạy bơi an toàn; phòng, chống đuối nước trẻ em chưa được phổ biến đại trà, chỉ tập trung ở một số địa bàn có điều kiện; việc trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho chính đối tượng trẻ em cũng như gia đình, người chăm sóc trẻ còn hạn chế; việc đầu tư hồ bơi cố định, di động chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu…

Để phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng, trong năm 2024, nhân Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cũ) đã phối hợp với các đơn vị liên quan in ấn, nhân bản 18.500 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em và Chương trình Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, với tổng kinh phí 50 triệu đồng. Song song với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện 167 sản phẩm truyền thông (băng rôn, cờ phướn…), với nội dung như: Tổng đài 111; tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi; chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện; phòng, chống tai nạn, thương tích để bảo đảm quyền được sống của trẻ em; gia đình, cộng đồng giám sát, trông giữ trẻ em để phòng, chống đuối nước; lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tuyên truyền trên các trục đường tại TP Đà Lạt và phục vụ cho Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 tại TP Bảo Lộc với tổng kinh phí trên 70 triệu đồng.

Tại các huyện, thành phố đồng loạt xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em; chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện vận động người dân rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực ao, hồ, sông, suối, công trình công cộng, các hồ tích, trữ nước phục vụ nông nghiệp, tưới tiêu có nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Trong năm 2024, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (cũ) đã kịp thời tham mưu và ban hành kế hoạch, chương trình phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước; mở các lớp dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh… Qua báo cáo từ các địa phương, trong năm có 264 lớp dạy bơi cho trẻ em, số trẻ em được học bơi là 5.272 trẻ. Ngoài ra có 276 lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 37 bể bơi cố định, 11 bể bơi di động và 1.729 biển cảnh báo được thực hiện tại các hồ công cộng và hồ tưới tiêu gia đình.

Để tăng tỷ lệ biết bơi và biết kỹ năng phòng, chống đuối nước, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035 trên địa bàn tỉnh. Trong đó đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh.

Theo mục tiêu của kế hoạch, đến năm 2030, 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước và đạt tỷ lệ 90% vào năm 2035. Tối thiểu 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn. 20% trường tiểu học, 15% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 50% xã, phường, thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn. 70% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng, chống đuối nước cho học sinh và đạt tỷ lệ 95% vào năm 2035.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202504/tang-cuong-phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-0d8622b/
Zalo