Tăng cường phòng chống bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông Xuân

Theo Bộ Y tế, thời tiết mùa Đông Xuân với đặc trưng lạnh và ẩm đang tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết trong những năm qua, công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy số mắc một số bệnh truyền nhiễm vẫn có xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt là các bệnh đã có vaccine phòng ngừa như sởi, ho gà và bệnh dại.

Hiện nay, thời tiết mùa Đông Xuân với đặc trưng lạnh và ẩm đang tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông Xuân.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm để phát hiện sớm và ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch.

Cụ thể, về giám sát thường xuyên, cần theo dõi sát sao tình hình bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, cơ sở y tế và các cửa khẩu. Đặc biệt chú trọng đến các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính và hội chứng viêm phổi nặng do virus.

Giám sát dựa vào sự kiện: Phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường hoặc ổ dịch mới tại cộng đồng. Xử lý triệt để ổ dịch: Khi phát hiện ca bệnh hoặc ổ dịch, cần khẩn trương khoanh vùng, dập dịch, không để lan rộng trong cộng đồng.

Phối hợp lấy mẫu xét nghiệm: Chủ động hợp tác với các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur để lấy mẫu, xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh, đánh giá nguy cơ và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ Y tế nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh triển khai tiêm chủng mở rộng.

Tiếp tục tổ chức tiêm chủng thường xuyên theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đảm bảo đạt tiến độ và độ bao phủ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Rà soát đối tượng tiêm chủng: Quản lý chặt chẽ danh sách các đối tượng thuộc diện tiêm chủng, triển khai tiêm bù và tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Đồng thời, thực hiện chiến dịch tiêm phòng bệnh sởi. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, các địa phương cần đảm bảo tổ chức tiêm chủng đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, góp phần giảm nguy cơ bùng phát dịch sởi.

Các cơ sở y tế cần chú trọng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong khám, chữa bệnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình khám, chữa bệnh.

Về phân luồng và sàng lọc bệnh nhân: Xây dựng quy trình tiếp nhận, phân loại bệnh nhân ngay từ khi vào khám, đặc biệt với các bệnh có nguy cơ lây lan cao.

Về thu dung, cấp cứu và cách ly điều trị: Đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân hiệu quả, đặc biệt đối với các trường hợp nặng.

Về kiểm soát nhiễm khuẩn: Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt với những đối tượng nguy cơ cao như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và bệnh nhân mắc bệnh nền.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, các Sở Y tế cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ các bệnh lây truyền từ động vật sang người như, cúm gia cầm, bệnh dại. Tăng cường phát hiện sớm các ổ dịch tại cửa khẩu, chợ gia cầm sống và phối hợp xử lý kịp thời. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho các trường hợp bị chó, mèo cắn.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, giám sát y tế tại các trường học, đặc biệt là trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ. Triển khai các chiến dịch tiêm chủng và nâng cao ý thức phòng bệnh cho học sinh thông qua truyền thông học đường.

Các địa phương cũng cần rà soát, đảm bảo sẵn sàng về nguồn lực phòng, chống dịch, bao gồm: Kinh phí và nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; thuốc, vaccine, vật tư y tế và trang thiết bị cần thiết; nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là trong trường hợp dịch bùng phát quy mô lớn.

Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa Đông Xuân. Đồng thời, kêu gọi Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc thực hiện, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-cuong-phong-chong-benh-truyen-nhiem-trong-mua-dong-xuan.htm
Zalo