Tăng cường phòng chống bệnh cúm
Ngày 10/2, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đảm bảo công tác phòng, chống bệnh cúm trên địa bàn.
![Người dân Đà Lạt tiêm vắc xin phòng bệnh cúm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_439_51440729/4946b8908cde65803ccf.jpg)
Người dân Đà Lạt tiêm vắc xin phòng bệnh cúm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong các tuần cuối năm 2024, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) đã tăng lên ở nhiều quốc gia như ở các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Tây Phi, Bắc Phi, Đông Phi và nhiều quốc gia ở châu Á.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 5/2/2025, hệ thống giám sát đã ghi nhận đợt bùng phát cúm mùa tại Nhật Bản, với khoảng 9,5 triệu ca mắc cúm từ ngày 2/9/2024 đến 26/1/2025.
Tại Việt Nam, trong năm 2024 ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, tăng 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), trong đó có 8 trường hợp tử vong (tăng 5 trường hợp so với năm 2023).
Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa Đông – Xuân, với khí hậu gió mùa, hanh khô, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng do các tác nhân như vi rút cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp (RSV) và các vi rút phổ biến khác như hMPV và Mycoplasma pneumoniae, nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh. Để đảm bảo công tác phòng, chống bệnh cúm trên địa bàn, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế dịch lây lan ra diện rộng. Đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh; kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt chú ý các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, người già và trẻ nhỏ, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch cúm tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Tăng cường các hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh cúm, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng bệnh, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi. Khi phát hiện các triệu chứng cúm hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế, vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm đối với các chủng cúm đã có vắc xin.
Thực hiện nghiêm báo cáo dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.