Tăng cường phát triển hạ tầng logistics đường sắt, kết nối khu vực
Chiều 7/1, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP T&Y Superport Vĩnh Phúc (Việt Nam SuperPortTM) để phát triển hạ tầng logistics đường sắt.
Đây là bước quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics và nâng cao quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
Biên bản ghi nhớ nhấn mạnh việc triển khai chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia, tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả đến và đi từ Việt Nam SuperPortTM. Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu chiến lược phát triển các tuyến đường sắt, nhà ga mới kết nối với Việt Nam SuperPortTM nhằm nâng cao năng lực hậu cần.
Theo đó, Việt Nam SuperPortTM được định vị là trung tâm trung chuyển chủ lực dọc theo tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả, tiết kiệm tại Việt Nam và xuyên biên giới.
Phát biểu tại lễ ký kết, đánh giá cao sự tham gia và đồng hành của các đối tác, ông Nguyễn Xuân Cường, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, sự phối hợp này sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy hệ thống giao thông Việt Nam.
Theo ông Cường, ngành GTVT đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối hiệu quả, phát triển các trung tâm logistics tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại không chỉ là mục tiêu, còn là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự cạnh tranh và phát triển bền vững.
"Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định tầm nhìn và quyết tâm của Việt Nam trong phát triển giao thông hiện đại, bền vững", ông Cường nhấn mạnh và cho rằng, dự án cảng đa phương thức sẽ mang lại nhiều giá trị lớn, đây là bước tiến chiến lược tạo tiền đề cho việc thực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho biết thời gian qua, Viện đã chủ trì xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên phạm vi cả nước, tham gia một số dự án quy hoạch chi tiết, tiền khả thi một số tuyến đường sắt trọng điểm như: Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh, quy hoạch chi tiết các đầu mối đường sắt Hà Nội, TP.HCM, quy hoạch chi tiết một số ga chính trên tuyến đường sắt Bắc Nam...
Trong đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh khổ 1.435mm được xây dựng mới đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây đồng thời là tuyến đường sắt quan trọng kết nối khu vực phía Tây Bắc với Hà Nội và khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.
Theo bà Hiền, dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc của Việt Nam SuperPortTM nằm ở khu vực có lưu lượng luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lớn từ các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố lân cận tới các cửa khẩu quốc tế lớn nhất của miền Bắc như: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi; cảng biển ngõ quốc tế Hải Phòng và các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt với Trung Quốc thuộc hành lang hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam - Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh).
Với định hướng xây dựng chuỗi cung ứng các dịch vụ logistics và các giải pháp đô thị, hướng tới cung cấp dịch vụ hậu cần xanh và thông minh, góp phần giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam với khu vực, thực hiện netzero vào năm 2040 của Vietnam SuperportTM, bà Hiền đánh giá, định hướng này phù hợp với mục tiêu "hình thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn, ngang tầm quốc tế nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế" của logistics của Việt Nam, cũng như các định hướng phát triển bền vững khác.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ đối tác chiến lược này trong việc hiện thực hóa tầm nhìn cảng logistics đa phương thức, Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPortTM thông tin, Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ tích hợp giao thông đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt.
"Phát triển ngành logistics gắn với kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng đường sắt sẽ góp phần nâng cao năng lực hậu cần quốc gia và tăng cường khả năng hội nhập của Việt Nam vào cung ứng toàn cầu," Ông Yap khẳng định và cho biết, nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam SuperPortTM và các đối tác chiến lược là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực ngành logistics và giao thông vận tải của Việt Nam.
Bằng cách tận dụng chuyên môn của các đối tác chủ chốt, dự án hướng tới góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, trở thành trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Từ đó, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước.
Cũng tại sự kiện, Việt Nam SuperPortTM ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam (thuộc Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc).
Nội dung hợp tác tập trung vào việc xây dựng nhà ga hàng hóa đường sắt tại Việt Nam SuperPortTMvà một tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia Việt Nam, phục vụ cho các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực.
Tại đây, Việt Nam SuperPort sẽ cung cấp các giải pháp hậu cần tích hợp bao gồm lên kế hoạch, xử lý hàng hóa, quản lý kho vận, phân phối, vận chuyển đa phương thức... Từ đó, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của dịch vụ vận tải đường sắt.