Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp

Sáng nay, 23.11, thảo luận tại tổ 3 (gồm các Đoàn ĐBQH Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Ngãi), có đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền thì phải gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) - Ảnh H.Ngọc

ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) - Ảnh H.Ngọc

Giảm bớt yếu tố quản lý hành chính rườm rà, phức tạp

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh sự cần thiết phải có luật riêng điều chỉnh về doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy vai trò, sự chủ động của doanh nghiệp nhà nước.

 Quảng cảnh thảo luận tại tổ 3. Ảnh H.Ngọc

Quảng cảnh thảo luận tại tổ 3. Ảnh H.Ngọc

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu nêu rõ, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thì doanh nghiệp nhà nước phải có trên 50% vốn. Tuy nhiên, thực tế có cả những doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước hay có những doanh nghiệp, Nhà nước đã thoái vốn, hiện nắm dưới 50%, những doanh nghiệp này lại hoạt động rất hiệu quả đóng góp ngân sách tốt. Trong khi đó, quản lý đối với doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước không rõ ràng; vai trò của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước không thực sự hiệu quả.

“Vậy, có đưa các doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hay không, quản đến mức nào, không quản thì lại là buông lỏng vì vẫn có vốn nhà nước. Buông không được, quản cũng không xong - rất là khó”, đại biểu Trần Văn Lâm thẳng thắn.

Về quy định đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đang chưa rõ ràng, thống nhất và còn đang hành chính hóa cơ quan này, đại biểu chỉ rõ, “Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý với các doanh nghiệp lớn, nhưng Ủy ban này lại như một cơ quan hành chính, nếu chỉ đạo quản lý kinh doanh một lĩnh vực bao trùm như thế, thì làm sao Ủy ban có thể xem xét, quản lý được, đặc biệt nhiều doanh nghiệp lớn có lĩnh vực đầu tư rất rộng, rất sâu”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước ngoài hiệu quả kinh doanh thì phải xác định nhiệm vụ chính trị. Đây là một công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Chúng ta không thể bỏ qua vai trò chính trị của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đơn cử, điện cho đồng bào dân tộc thiểu số, nếu không có doanh nghiệp nhà nước, thì ai đầu tư kéo điện vào cho bà con vùng sâu, vùng xa, để ai cũng được thụ hưởng điện.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, chúng ta đang tách doanh nghiệp với nhiệm vụ chính trị mà doanh nghiệp thực hiện. Đáng lẽ, công cụ để điều tiết lĩnh vực này thì phải do doanh nghiệp ngành, lĩnh vực đó quản lý, nhưng chúng ta đưa về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với mục đích tách bạch quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp. Nhưng tách một cách “đứt đuôi” thì cơ quan quản lý nhà nước không còn khả năng sử dụng công cụ là doanh nghiệp nhà nước đề điều tiết vĩ mô nền kinh tế một cách hiệu quả. Đây là hạn chế trong việc xác lập các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.

Trước thực tế nêu trên, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động vì nhiệm vụ chính trị là chính yếu, xác lập vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thì phải đưa về các Bộ chuyên ngành quản lý. Còn các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu kinh tế là chính thì mới xác lập về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thay vì tập trung vào một Ủy ban, tạo thành tầng nấc quản lý hành chính nặng nề, phức tạp. Như vậy, mới phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp, giảm bớt yếu tố quản lý hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết.

Không có quy định về quyền, nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Nhấn mạnh dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là dự luật khó, ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) nêu rõ, quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước có những vấn đề đặt ra, như phải tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Tức là vừa cho doanh nghiệp có không gian nhất định để doanh nghiệp chủ động, bảo đảm quyền tự quyết với các hoạt động quản trị của doanh nghiệp; nhưng, Nhà nước lại vừa có vai trò là quản lý nhà nước và có vai trò đại diện vốn chủ sở hữu. Rất khó và dự thảo Luật hiện vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.

 ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An). Ảnh H.Ngọc

ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An). Ảnh H.Ngọc

Dự thảo Luật hiện cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp, Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị, tăng cường phân cấp, phân quyền thì phải gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đơn cử, Điều 12, dự thảo Luật vẫn quy định rất chung chung về nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp, không làm rõ ai sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nào, nếu muốn xem xét đến trách nhiệm sẽ rất khó.

Hay Điều 45, dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, nhưng chỉ từ trên 50% đến dưới 100%. Không có quy định về quyền, nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trong khi, đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cần có các quy định chặt chẽ hơn. Đồng thời, dự thảo Luật cũng chưa có quy định trách nhiệm trong trường hợp vốn nhà nước dưới 50%.

Cho rằng mối quan hệ giữa dự thảo Luật với các luật khác "chưa thật sự rõ", đại biểu Nguyễn Vân Chi nhận thấy, khoản 1, Điều 5 quy định “nguyên tắc quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp” - như vậy là thiếu mất vế “tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan trong các hoạt động kinh doanh".

H.Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-phan-cap-phan-quyen-gan-voi-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-post397241.html
Zalo