Tăng cường năng lực, bảo vệ an toàn cho lực lượng phòng, chống ma túy
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhất trí với đề xuất lực lượng công an, biên phòng phối hợp xây dựng Đề án nâng cao năng lực phòng, chống ma túy, bao gồm cả trang thiết bị hiện đại, để bảo đảm an toàn cho lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy, khi tội phạm ma túy ngày càng manh động, liều lĩnh.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu phải tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số vào trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có thuế điện tử, hóa đơn điện tử - Ảnh: VGP/Hải Minh
Chiều 21/4, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị giao ban công tác quý I/2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia).
Hội nghị được kết nối trực tuyến với Ban Chỉ đạo 389 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 3 tháng đầu năm 2025, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển ma túy, tiền tệ, hàng hóa có giá trị cao như rượu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… diễn ra ở hầu hết các cảng hàng không và bưu chính quốc tế, trong đó nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ châu Âu qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào Việt Nam.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố.
Hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, mua sắm trên các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… có chiều hướng gia tăng trên các địa bàn trong cả nước. Hoạt động mua bán trái phép hóa đơn với số lượng lớn vẫn diễn ra trên địa bàn một số tỉnh, thành phố.
Về phương thức, thủ đoạn, các đối tượng lợi dụng loại hình thủ tục đơn giản với hàng hóa quá cảnh, chuyển cửa khẩu, loại hình miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, gia công sản xuất xuất khẩu, khai báo mặt hàng được ưu tiên làm thủ tục, miễn kiểm tra, cố tình khai sai tên hàng, thông số kỹ thuật, số lượng, chủng loại, khai báo trị giá thấp, trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch, để buôn lậu, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam…
Các đối tượng lợi dụng tư cách pháp nhân thương mại để hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, đối tượng tổ chức xuất bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng nhằm mục đích trốn thuế số tiền lớn.
Các đối tượng cũng lợi dụng các sàn thương mại điện tử và sử dụng các trang mạng xã hội, công cụ livestream để quảng cáo, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cũng theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, trong quý I/2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý 30.651 vụ việc vi phạm, giảm 0,77% so với cùng kỳ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.616 tỷ đồng, tăng 59,45% so với cùng kỳ.
Các đơn vị, địa phương đã khởi tố hình sự 1.328 vụ, tăng 18,36% so với cùng kỳ, với 2.046 đối tượng, tăng 21,35% so với cùng kỳ.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị giao ban công tác quý I/2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Ảnh: VGP/Hải Minh
Lãnh đạo các địa phương kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế tình trạng buôn bán hóa đơn giả; kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra của hàng hóa, yêu cầu các cửa hàng bắt buộc phải xuất hóa đơn khi bán hàng.
Các địa phương kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy việc sửa đổi, bổ sung hệ thống quy định về xử phạt theo hướng tăng tính răn đe, nhất là đối với các hoạt động thương mại điện tử; chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại địa bàn; ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu hành tại Việt Nam.
Tỉnh An Giang kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục thúc đẩy hợp tác liên ngành với cơ quan chức năng của Campuchia để ngăn chặn hoạt động buôn lậu qua biên giới, trong đó có mặt hàng vàng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự tham gia chủ động và có trách nhiệm cùng những kết quả tích cực của các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, chưa bám sát địa bàn, chưa làm tốt trách nhiệm, vẫn còn xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân như vụ sữa giả tại Hà Nội, thuốc giả tại Thanh Hóa, hay sản xuất cà phê bột giả và sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ tại Đắk Lắk…
Tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi, gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài; tình trạng vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý. Công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là việc trao đổi thông tin, giám sát hàng hóa từ biên giới vào nội địa.
Trong bối cảnh các nước thay đổi chính sách, nhất là chính sách thuế, trong khi đất nước bước sang giai đoạn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế thì công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả càng cần được coi trọng hơn nhằm bảo vệ nền kinh tế, giúp doanh nghiệp phát triển, người dân tiếp cận được hàng hóa đúng chất lượng, đúng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu rõ nguồn gốc, xuất xứ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổng hợp các kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xem xét, chỉ đạo xử lý kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; giao Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia theo dõi tiến độ triển khai nội dung này.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo rà soát, chuẩn hóa đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật cùng với tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bổ sung thêm những chế tài xử lý vi phạm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đã hoàn tất quá trình hợp nhất nhanh chóng kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; các địa phương sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương sau khi hoàn thành việc sắp xếp lại các địa phương.
Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia với Ban Chỉ đạo 389 các địa phương; hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các địa phương xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp các lực lượng tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, của ngành mình để kịp thời phát hiện kịp thời các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không được buông lỏng quản lý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số vào trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất lực lượng công an, biên phòng phối hợp xây dựng Đề án nâng cao năng lực phòng, chống ma túy. Các bộ, ngành khác tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, bao gồm cả trang thiết bị hiện đại, nhằm bảo đảm an toàn cho các lực lượng của mình.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc và lời thăm hỏi gia đình liệt sĩ Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải, Công an tỉnh Quảng Ninh và toàn thể lực lượng Công an nhân dân; chia sẻ những khó khăn, vất vả; ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là sự nghiệp của toàn dân, trong đó sự phát hiện, tố cáo của người dân cùng với sự phối hợp hiệu quả của các lực lượng chức năng có ý nghĩa rất quan trọng.