Tăng cường liên kết, tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm định là 'chìa khóa' để xuất khẩu rau quả thu về nhiều tỷ USD
Dù đã hiện diện tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng đến nay rau quả Việt Nam vẫn chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn. Điều đáng nói, giá trị xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm liên tục sụt giảm, cho thấy hàng loạt áp lực vẫn đang đè nặng đối với ngàng hàng này.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 3 ước đạt 450 triệu USD, lũy kế quý I đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy, tính cả quý, các doanh nghiệp Việt Nam đã hụt thu lên tới hơn 2.800 tỷ đồng.
Năm 2025, Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu rau, quả đạt 8 tỷ USD. Các chuyên gia lo ngại nếu tình trạng này kéo dài, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2025 có thể giảm so với năm 2024. Điều đó không chỉ phản ánh khó khăn trước mắt mà còn đặt ra bài toán lớn cho toàn ngành.
Chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Việt Nam với điều kiện tự nhiên thuận lợi đã sản xuất hơn 120 loại rau có nguồn gốc nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất rau hiện nay có thể duy trì quanh năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Xuất khẩu rau quả quý I năm 2025 đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong giai đoạn 2016-2024, diện tích trồng rau tăng trưởng trung bình 1,4%/năm, trong khi sản lượng tăng 2,6%/năm. Đến năm 2024, tổng diện tích trồng rau cả nước đạt hơn 1 triệu ha, với sản lượng trên 19 triệu tấn.
Còn theo số liệu của Viện chiến lược chính sách nông nghiệp và môi trường, đến năm 2023, diện tích cây ăn quả của Việt Nam đạt hơn 1,33 triệu ha, tăng trưởng hàng năm kép đạt 5,7%/năm trong giai đoạn 2019-2023.
Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đến nay mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 1,9% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu). Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu rau quả. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu rau quả trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tăng từ 10% năm 2019 (3,7 tỷ USD) lên 12,4% năm 2024 (7,1 tỷ USD), tăng trưởng hàng năm đạt 13,8%/năm trong giai đoạn 2019-2024.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thừa nhận, dù đã hiện diện tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng rau quả Việt Nam vẫn có thị phần khiêm tốn và đang đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, môi trường.
Bà Hoàng Mai Vân Anh – Điều phối viên chương trình, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc thông tin, xuất khẩu của Việt Nam bị chi phối bởi thị trường Trung Quốc do lợi thế về hậu cần và quy mô thị trường này chiếm tới hơn 64%, một số trái cây như sầu riêng có thị phần hơn 95%. Việc thiếu đa dạng thị trường làm tăng thêm tính dễ bị tổn thương cho ngành.
“Qua thống kê, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai thị trường mà rau quả của Việt Nam bị từ chối cao. Trong đó, tỷ lệ từ chối nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ đối với rau quả Việt Nam là 37%, Trung Quốc là 30%. Lý do bị từ chối chủ yếu là do rau quả bị nhiễm khuẩn, ghi nhãn và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, bà Vân Anh chỉ rõ.
Đại diện một công ty chuyên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ở khu vực Tây Nguyên bày tỏ lo lắng vì nhiều tháng qua, hoạt động xuất khẩu sầu riêng vẫn chưa thể trở lại bình thường do vướng phải thủ tục kiểm định chất vàng O. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của công ty trong năm nay.
Bênh cạnh đó, không chỉ Trung Quốc, các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ và châu Âu cũng đang siết chặt kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp trong nước.
Đưa ra giải pháp để ngành rau quả Việt Nam thực sự “vươn ra biển lớn”, ông Lê Quốc Thanh cho rằng, trước hết cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, với sự tham gia trách nhiệm của các bên liên quan. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến đóng gói, chế biến tại các vùng trọng điểm và hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành rau quả xuất khẩu bền vững…
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay chủ yếu mới có các doanh nghiệp, thương nhân đủ năng lực nhận biết tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu, người sản xuất trực tiếp hầu như “ngoài cuộc”. Bởi vậy, trong thời gian tới cần đào tạo, tạo điều kiện hơn nữa cho người trực tiếp sản xuất giúp họ nhận biết đầy đủ, thực hành quy trình thao tác đạt tiêu chuẩn sản phẩm truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng xuất khẩu; kết nối với doanh nghiệp từ đầu vào sản xuất, bảo quản, chế biến đến hoạt động logistics và đưa sản phẩm đến thị trường.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã khuyến nghị tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, cần tăng cường liên kết, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kiểm định mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Theo cơ quan này, việc chủ động thích ứng với các quy định về kiểm dịch thực vật, dư lượng hóa chất và an toàn thực phẩm sẽ giúp ngành rau quả giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
"Việc phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phục hồi và phát triển bền vững ngành rau quả Việt Nam trong năm 2025", đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Bộ NN&MT, bên lề chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tới Hoa Kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&MT Hoàng Trung đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeister.
Bộ NN&MT đang khẩn trương hoàn tất báo cáo đánh giá nguy cơ (PRA) và các thủ tục khác theo luật định để quýt, mận, chanh không hạt từ Hoa Kỳ có thể vào thị trường Việt Nam trong năm 2025.
Bộ NN&MT cũng đã hoàn tất đánh giá và cấp phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho toàn bộ các hồ sơ sự kiện biến đổi di truyền. Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị phía Hoa Kỳ nhanh chóng xem xét mở cửa thị trường cho chanh leo của Việt Nam.
Chanh leo của nước ta đã được xuất khẩu sang 20 quốc gia trên thế giới dưới dạng quả tươi, đông lạnh và nước ép. Với diện tích hơn 12.000 ha chanh leo, sản lượng 200.000 tấn/năm, tập trung ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Việt Nam đang là một trong những nước trồng nhiều chanh leo nhất thế giới.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu loại quả này đạt hơn 222 triệu USD. Các nước châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm chế biến dịch chanh leo cấp đông.
Nếu được vào Hoa Kỳ, theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu chanh leo mỗi năm sẽ đạt từ 50-100 triệu USD. Nếu được "mở đường", chanh leo sẽ là trái cây tiếp theo cùng với dừa tươi cạo vỏ, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài và bưởi được đón nhận tại Hoa Kỳ.