Tăng cường liên kết Nhà nước-Nhà trường-Nhà Doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực

Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐN đất nước trong Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là nội dung được nêu ra tại Hội thảo gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung do ĐHĐN tổ chức

Dự Hội thảo có Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5; ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các Trường Đại học trong cả nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Trung.

70 tham luận gửi đến Hội thảo đặt ra các vấn đề thuận lợi và thách thức trong phát triển bền vững Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thời gian tới. Các ý kiến tham luận nêu rõ hiện trạng số trường, cơ sở đào tạo nhiều nhưng chưa gắn với nhu cầu doanh nghiệp, chưa gắn với những lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm tài chính quốc tế...

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Hiện nay, toàn Vùng có 44 cơ sở Giáo dục Đại học nhưng quy mô đào tạo nhỏ, lẻ, đơn ngành; nguồn lực đầu tư hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân nhân lực trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26 năm 2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp “đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn… trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới” để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng khẳng định, Đại học Đà Nẵng là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực và quốc gia, đặc biệt coi trọng chất lượng đào tạo và luôn gắn kết với nhu cầu thị trường. Đại học Đà Nẵng xem chất lượng đào tạo là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của một trường đại học:

“Trong hội thảo lần này, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi thông tin, tháo gỡ những vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh gắn kết hiệu quả giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Đây là nút thắt làm cho công tác đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của người trực tiếp sử dụng lao động”.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo

PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu

PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Các Nghị quyết này đã định vị Đà Nẵng là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực và tập trung phát triển các lĩnh vực như dịch vụ chất lượng cao gắn du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản; Logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu thương mại tự do; Công nghệ thông tin gắn với điện tử viễn thông và kinh tế số. Đối với những ngành này, Đại học Đà Nẵng cơ bản đáp ứng về nhân lực. Tuy nhiên, với 2 lĩnh vực mới là bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và tài chính phục vụ Đề án Trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề rất mới. Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đã và đang tạo điều kiện tốt nhất để sớm hoàn thành Làng Đại học, sớm đưa Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia, cung ứng nhân lực các lĩnh vực mới cho thành phố:

“Đối với 2 lĩnh vực mới là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo và trung tâm tài chính quốc tế thì mặc dù một số trường thành viên Đại học Đà Nẵng đã mở một số ngành đào tạo trực tiếp và gần cho lĩnh vực này. Tuy nhiên thời gian tới rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Đại học Đà Nẵng, các trường thành viên với các cơ quan chuyên môn của thành phố, doanh nghiệp trên địa bàn để nâng cao chất lượng đào tạo, số lượng để đáp ứng nhu cầu của thành phố trong phát triển 2 lĩnh vực mới này và hội nhập quốc tế”.

Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5 phát biểu tại hội thảo

Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5 phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5 khẳng định, Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ra biển, bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là hành lang kết nối kinh tế Đông - Tây có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo. Theo Trung tướng Thái Đại Ngọc, để đạt mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã xác định, đến 2030, tầm nhìn đến 2045, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, bền vững, quốc phòng an ninh và chủ quyền biển đảo được bảo đảm vững chắc đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng tham gia tích cực cho quá trình này. Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị:

“Nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân khu 5 về đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao, phục vụ hiện đại hóa Quân đội trong lĩnh vực như công nghệ thông tin, an ninh mạng, viễn thông, điện tử, cơ khí chế tạo, y dược”.

Thành Long/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tang-cuong-lien-ket-nha-nuoc-nha-truong-nha-doanh-nghiep-trong-dao-tao-nhan-luc-post1135843.vov
Zalo