Tăng cường kiểm tra, rà soát trường lớp học

Hàng loạt vụ tai nạn trong trường học đòi hỏi các trường tăng cường kiểm tra, rà soát CSVC trường lớp học...

Cô trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội).

Cô trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội).

Phòng thí nghiệm ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bốc cháy hay vữa trần phòng học tại Trường THCS Thanh Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) rơi làm học sinh bị thương phải bó bột ở chân khiến nhiều người lo ngại về an toàn trường học.

Nguy hiểm từ công trình xuống cấp

Thực hiện dự án xây trường mới, gần 900 học sinh, giáo viên Trường THCS Thanh Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến học tạm tại một cơ sở giáo dục cũ trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Kiều Duyên - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Quan, trước khi trường chuyển đến địa điểm tạm, UBND quận Hoàn Kiếm đã cải tạo trường lớp, nhà trường kiểm tra và nhận thấy cơ sở vật chất đủ điều kiện dạy và học. Trước đó, một số trường học khác tại quận Hoàn Kiếm khi xây mới cũng chuyển đến địa điểm này để học tạm thời.

Tuy nhiên, ngày 18/4, đang trong giờ nghỉ trưa, phòng học tầng 3 có mảng vữa trần rơi vào chân học sinh khiến em bị rạn xương mắt cá chân, phải đến bệnh viện bó bột.

“Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã báo cáo với phòng GD&ĐT, UBND quận Hoàn Kiếm và các ban ngành liên quan để tìm cách khắc phục. Nhà trường đã cho róc bỏ toàn bộ vùng tường có nguy cơ bong tróc. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục bóc tách phần tường trần phía trên của các lớp để đảm bảo an toàn cho học sinh”, bà Duyên cho biết.

Về ý kiến của một số phụ huynh học sinh bày tỏ sự lo lắng an toàn cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã họp với đại diện phụ huynh học sinh để trao đổi, làm rõ thông tin, thống nhất giải pháp. Ban giám hiệu nhà trường bảo đảm việc học tập của học sinh và được sự đồng thuận của các phụ huynh.

Trong thời gian tiếp tục sửa chữa cơ sở vật chất, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo nhà trường có phương án tổ chức, bảo đảm việc học tập cho học sinh. Học sinh các khối lớp được sắp xếp, bố trí ở phòng học đã sửa chữa và phòng chức năng bảo đảm an toàn.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp cùng Trường THCS Thanh Quan khẩn trương thực hiện sửa chữa để bảo đảm hoạt động bình thường của nhà trường và quyền lợi học tập của học sinh.

Sáng 7/5, một số học sinh và giáo viên phát hiện khói lửa bốc ra từ phòng thực hành thí nghiệm trong dãy nhà ba tầng của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Vinh, Nghệ An). Ngay sau đó, các thầy cô giáo cùng bảo vệ trường dùng các bình chữa cháy mini dập lửa tại chỗ nhưng bất thành.

Do trong phòng thực hành thí nghiệm có nhiều hóa chất, vật liệu dễ cháy nên đám cháy bùng phát dữ dội. Phía dưới các phòng học tầng 1 và tầng 2, học sinh được sơ tán khỏi lớp học.

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là một trong những trường chuyên danh tiếng nhất cả nước, được thành lập đến nay đã 50 năm. Trường đang xây dựng cơ sở mới tại xã Nghi Ân và Nghi Phong, thành phố Vinh để thay thế cho trường hiện tại.

 Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Thanh Khê, Đà Nẵng) trao giải cho hoạt động trải nghiệm mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ảnh: NTCC

Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Thanh Khê, Đà Nẵng) trao giải cho hoạt động trải nghiệm mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ảnh: NTCC

Rà soát, sửa chữa, xây dựng mới

Cuối năm 2024, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng kiểm tra thực tế chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 2 của Trường THCS Lê Độ thành cơ sở mới Trường THCS Phan Bội Châu và Dự án xây mới thay thế khối lớp học tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh - cơ sở 1 tại quận Sơn Trà. Trường THCS Phan Bội Châu và Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh là 2 ngôi trường xây dựng khoảng 30 năm, xuống cấp nặng, không bảo đảm an toàn, không đáp ứng nhu cầu gia tăng học sinh hiện nay.

Qua kiểm tra thực tế, Thường trực HĐND thành phố thống nhất chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp 2 ngôi trường nói trên với kinh phí đề xuất khoảng 170 tỷ đồng để phục vụ việc dạy và học.

Cũng tại quận Sơn Trà, đơn vị thi công đang gấp rút triển khai dự án Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (xây dựng khối lớp học và phòng bộ môn) với tổng đầu tư hơn 44 tỷ đồng. Công trình khởi công từ tháng 8/2024 và kế hoạch hoàn thành trong tháng 3/2025 nhằm đáp ứng nhu cầu đến lớp của học sinh trên địa bàn.

Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) được đầu tư xây dựng mới, hoàn thành vào bàn giao tháng 4/2025. Đây là ngôi trường xây dựng từ năm 1997, hai năm học gần đây đã xuống cấp trầm trọng; tường phơi cả trụ sắt ra ngoài. Dọc hành lang các lớp học, trần nhà bong tróc; mái tôn bị mục, mùa mưa nước chảy xuống lớp học… Sân trường nhiều chỗ lồi lõm, nước ứ đọng, đặc biệt vị trí trước cổng trường nơi phụ huynh đưa đón học sinh.

Tháng 10/2024, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) di dời 2 phòng học của điểm trường Lăng Lương sang vị trí an toàn hơn. Nguyên nhân do sau đợt mưa kéo dài, Ban giám hiệu nhà trường đi khảo sát các điểm trường thôn thì phát hiện vết nứt ở quả đồi phía sau phòng học điểm trường Lăng Lương. Vì phòng học lắp ghép bằng gỗ nên nhà trường lên phương án tháo rời toàn bộ và dựng lại ở điểm khác để đảm bảo an toàn cho công tác dạy - học.

Trong những năm qua, một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến môi trường an toàn cho học sinh tại các trường học. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là các công trình trường học xây dựng từ lâu nhưng không cải tạo, bảo trì theo quy định; các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng trường học.

Để đảm bảo môi trường dạy và học an toàn, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 64/BGDĐT-CSVC năm 2018 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện nội dung việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học.

Đồng thời, tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là vào mùa mưa bão; lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn, không đảm bảo an toàn theo quy định.

 Hàng rào ngăn giữa khu vực công trình xây dựng và dãy phòng học đang hoạt động của Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Hàng rào ngăn giữa khu vực công trình xây dựng và dãy phòng học đang hoạt động của Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

An toàn trong điều kiện trường, lớp tạm

Cuối tháng 9/2024, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Thanh Khê, Đà Nẵng) bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công phục vụ dự án xây mới công trình dãy nhà 12 phòng học. Với 3 dãy phòng học còn lại, nhà trường tổ chức dạy - học 1 buổi/ngày, không tổ chức bán trú để đảm bảo đủ phòng học.

Bà Đào Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết: “Khi công trình bắt đầu thi công, Ban giám hiệu và khối văn phòng chia nhau trực. Ai nằm trong ca trực sẽ đến trường sớm hơn 45 phút so với giờ bắt đầu vào học của học sinh để trực ở các khu vực tiếp giáp với công trình, nhằm tránh tình trạng học sinh di chuyển qua lại. Giờ ra chơi, tan học cũng có bộ phận trực”.

Giữa khu vực thi công và nơi diễn ra hoạt động dạy - học của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn được rào chắn cẩn thận, có biển thông báo học sinh không được di chuyển gần khu vực công trình xây dựng. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở đơn vị thi công, vận chuyển vật liệu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, tránh giờ cao điểm khi học sinh đến và tan trường.

“Trong quá trình thi công, có thời điểm sẽ có các hộc nước. Nhà trường chủ động nhắc nhở đơn vị rào chắn cẩn thận, tránh trường hợp học sinh không may bị trượt chân”, bà Đào thông tin.

Trước đó, khi khảo sát để lên phương án tổ chức dạy - học cho Trường Tiểu học Bế Văn Đàn giai đoạn xây dựng, các ngành chức năng chọn địa điểm Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (cũ) để học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn học tạm. Tuy nhiên, qua khảo sát, công trình này đã xuống cấp, lớp học không đủ sức chứa nên chọn phương án cho học sinh học tại chỗ.

Theo đề án nâng cấp, sửa chữa trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2025, đến nay có 35 công trình đang triển khai xây dựng, tổng mức đầu tư 804,7 tỷ đồng; 60 công trình được duyệt chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư 1.824,7 tỷ đồng; 47 công trình đang triển khai hồ sơ chuẩn bị đầu tư, tổng mức đầu tư 1.939,4 tỷ đồng.

Với hàng loạt công trình đang và chuẩn bị đầu tư, nhà trường và phụ huynh mong muốn các ngành chức năng tính toán sắp xếp, bố trí địa điểm dạy học phù hợp để bảo đảm an toàn cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác dạy học của nhà trường.

Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn được đầu tư cải tạo, học sinh phải đi học nhờ tại các nhà văn hóa, trụ sở phường. Chia sẻ của bà Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT, các điều kiện bảo đảm an toàn, nhất là an toàn thực phẩm và phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh vẫn được các nhà trường duy trì.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội xác định việc bảo đảm an toàn trường học là nhiệm vụ trọng tâm, nền tảng để tổ chức dạy tốt - học tốt. Từ sự việc này, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các trường học trên toàn thành phố tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho học sinh, đặc biệt đối với phòng học tạm trong quá trình xây dựng trường mới.

Hà Nguyên - Lê Cường

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tang-cuong-kiem-tra-ra-soat-truong-lop-hoc-post731189.html
Zalo