Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho thuê lại lao động

Theo đề nghị của Bộ Nội vụ, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình hoạt động cho thuê lại lao động đối với các doanh nghiệp cho thuê lại, và doanh nghiệp thuê lại lao động trên địa bàn...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về cho thuê lại lao động, Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp thực hiện.

Bộ Nội vụ cho biết trên cơ sở theo dõi, tổng hợp, nắm tình hình thực tiễn về hoạt động cho thuê lại lao động thời gian qua, cho thấy hoạt động cho thuê lại lao động đang có xu hướng phát triển và mở rộng hoạt động tại các địa phương.

Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định pháp luật cho thuê lao động tại một số doanh nghiệp chưa được đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn.

Việc này cũng nhằm đảm bảo hoạt động cho thuê lại lao động và quyền lợi của người lao động thuê lại theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương thực hiện việc cấp phép và quản lý hoạt động cho thuê lại lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về hoạt động cho thuê lại lao động, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, doanh nghiệp trong hoạt động cho thuê lại.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình hoạt động cho thuê lại lao động đối với các doanh nghiệp cho thuê lại, và doanh nghiệp thuê lại lao động trên địa bàn. Đặc biệt đối với danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm theo đúng quy định.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại nhận tiền ký quỹ để cập nhật thường xuyên thông tin ký quỹ doanh nghiệp. Đôn đốc doanh nghiệp thực hiện công tác báo cáo định kỳ theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương cần cập nhật thường xuyên các thông tin của doanh nghiệp được cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động biết.

Bên cạnh đó, cần gửi thông báo cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; đồng thời tổng hợp, định kỳ 6 tháng, hằng năm gửi báo cáo về tình hình cho thuê lại lao động về Bộ Nội vụ theo quy định.

Theo khoản 1 Điều 52 Bộ luật Lao động 2019, cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Sau đó, người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác, mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Sau đó, chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp đã giao kết hợp đồng lao động.

Để có thể cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau: Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020; không có án tích.

Đồng thời, đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động, hoặc cung ứng lao động từ đủ 3 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề, trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-hoat-dong-cho-thue-lai-lao-dong.htm
Zalo