Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm
Những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, đây cũng là dịp thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào bày bán. Nhiều cơ sở chế biến, sản xuất không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng rất lớn. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, lực lượng chức năng đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Phát hiện nhiều thực phẩm “bẩn”
Theo Bộ Y tế, trong 9 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng hơn 2 lần, số vụ có người mắc (trên 30 người) cũng tăng. Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc qua xét nghiệm có vụ do vi sinh vật salmonella trong thịt nguội, trong các món gà, trong thịt lợn qua chế biến, chả lụa nhiễm sinh vật Bacillus cereus trong thức ăn nấu chín…
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, TP hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Gần đến Tết, nhiều thực phẩm “bẩn” tuồn vào thị trường, hàng quán vỉa hè chế biến bán cho người tiêu dùng. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường, Công an…đã tăng cường kiểm tra thực phẩm không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu đưa vào thị trường. Chi cục An toàn thực phẩm tăng cường hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể để phát hiện và chấn chỉnh vi phạm.
Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điển hình, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ ở Bò nhúng dấm 555 (Giảng Võ, Ba Đình), tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở này kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt chủ hộ kinh doanh Bò nhúng dấm 555 với số tiền 12,5 triệu đồng.
Cùng thời điểm đó, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (Yên Hòa, Cầu Giấy) thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm tra 3 bước: Nguồn gốc nguyên liệu, quá trình chế biến và trước khi sử dụng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này thực hiện không đúng quy định về việc lưu mẫu thức ăn. Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt cơ sở 16 triệu đồng.
Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội còn phát hiện, thu giữ gần 70.000 lọ nước yến chưng không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và hơn 1,6 tấn chân giò lợn không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…
Ngăn chặn phải quyết liệt
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, các mối nguy sinh học, hóa học trong thực phẩm dược đánh giá là có gây ra ngộ độc cấp tính như vi sinh vật gây bệnh, độc tố tự nhiên, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm dùng quá liều…hoặc tích lũy trong cơ thể gây ra ngộ độc mãn tính. Các môi nguy có thể xuất phát từ quá trình sản xuất, nuôi trồng, quá trình bảo quản (như độc tố vi nấm, vi sinh vật), đến quá trình lưu thông, phân phối và cả trong quá trình chế biến sử dụng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, TP tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định.
Hà Nội đã lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành tập trung thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đấu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trong tâm là những cơ sở sản xuất, kinhh doanh nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết. Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đơn vị sẽ tập trung kiểm tra các nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhằm ngặn chặn thực phẩm “bẩn”, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, việc kinh doanh thực phẩm online trên sàn thương mại điện tử đang rất khó kiểm soát về chất lượng.
UBND TP Hà Nội yêu cầu công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thười phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn kiểm tra làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo dự báo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian tới và trên không gian mạng xuất hiện đa dạng, với những phương thức, thủ đoạn đan xen giữa truyền thống với cộng nghệ, lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trên không gian mạng. Theo đó, chỉ đạo Công an cấp tỉnh, huyện, xã, rà soát, đánh giá thực trạng tội phạm vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn để tham mưu, kiến nghị với Sở Y tế, Sở Công thương, UBND cấp xã thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện sản xuất, kinh doanh; phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm…Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các cơ sở có hành vi vi phạm.