Tăng cường kiểm soát loài sinh vật đáng sợ đổ về Việt Nam, 'nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay'

Trước tình trạng tôm hùm đất đang được bán tràn lan trên mạng và tại một số chợ đầu mối hải sản, Tổng cục Hải quan vừa có Công văn đề nghị tăng cường kiểm soát tôm hùm đất nhằm bảo vệ môi trường, tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 2842/TCHQ-GSQL ngày 19/6/2024 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm soát tôm hùm đất.

Được biết, trong thời gian qua, báo chí đưa tin về việc cơ quan chức năng phát hiện mặt hàng tôm hùm đất (có tên khoa học là Procambarus clarkii) nhập lậu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Hình minh họa

Hình minh họa

Theo khoản 7 Điều 7 và Điều 50 Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008 quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có bao gồm hành vi nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại (bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại); Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì tôm hùm đất (Procambarus clarkii) không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại thì Procambarus clarkii thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Do vậy, để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất (Procambarus clarkii) bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.

Theo thông tin trên báo Tiền phong, Cục Thú y cho biết, tôm hùm đất sống hiện không có tên trong phụ lục VIII danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, cơ quan này chưa nhận được yêu cầu kiểm định nào đối với hàng nhập khẩu sống vào Việt Nam

Có thời điểm tôm hùm đất xuất hiện nhiều trên thị trường, Bộ NN&PTNT phải ra công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, truy quét. Bộ này yêu cầu nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường.

Khảo sát trên các chợ hải sản trên mạng xã hội cho thấy, tôm hùm đất sống, nhập từ Trung Quốc được rao giá bán lẻ 360.000 - 370.000 đồng/kg. Giá này đang đắt hơn tôm sú, càng và tôm bạc của Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.Trước đó, ngày 03/04/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, thu giữ hai kiện hành lý cất giấu khoảng 60 nghìn con tôm hùm giống sống (trị giá ước tính hơn 5 tỷ đồng) vận chuyển qua đường hàng không từ Singapore về Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 28/12/2008 quy định:

Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học

1. Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.

2. Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

3. Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

4. Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

5. Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

6. Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.

7. Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại

8. Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

9. Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn.

Điều 50. Điều tra và lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại

1. Loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra để lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ, cơ quan ngang bộ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định loài ngoại lai xâm hại, thẩm định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tang-cuong-kiem-soat-loai-sinh-vat-dang-so-do-ve-viet-nam-neu-phat-hien-phai-tieu-huy-ngay-172240623084407285.htm
Zalo