Tăng cường kiểm soát để quảng cáo trung thực, văn minh
Chiều 8-11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Tràn lan quảng cáo thổi phồng, gây hiểu lầm
Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ, quảng cáo là 1 trong 12 lĩnh vực trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta. Trong thời gian qua, lĩnh vực quảng cáo đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cho nên việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này nhằm tạo điều kiện để quảng cáo phát triển hơn. Đồng thời tăng cường kiểm soát để quảng cáo đúng, trung thực, văn minh và là cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh với người tiêu dùng.
Hiện nay, quảng cáo trên mạng và sử dụng một số cá nhân có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng rất phổ biến, tuy nhiên việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được quảng cáo vẫn còn bỏ ngỏ.
Các ĐB Phan Thị Thanh Phương, ĐB Trần Kim Yến và ĐB Phạm Khánh Phong Lan (cùng đoàn TPHCM) nêu thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng quảng cáo thổi phồng nội dung, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Trên các nền tảng mạng xã hội có nhiều clip ngắn lồng ghép quảng cáo vào nội dung. Các quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm vẫn tiếp tục xuất hiện mà không bị xử lý kịp thời.
Về quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh cần có sự đồng bộ giữa Luật Quảng cáo và các luật liên quan, đặc biệt là Luật Dược. Trên thực tế đã có nhiều vi phạm trong lĩnh vực này, do đó chiến lược xây dựng luật phải hướng đến việc siết chặt các quy định liên quan đến quảng cáo.
Thời gian tới, ĐB Phan Thị Thanh Phương đề nghị cần xử lý nghiêm một số trường hợp để làm gương nhằm nâng cao tính răn đe và hiệu quả thực thi. Cùng với đó cần quy định rõ trách nhiệm chủ thể trong hoạt động quảng cáo. Đồng thời cần phải minh bạch hơn trong quản lý quảng cáo, đặc biệt là trên các phương tiện báo chí cần phân định rõ ràng giữa tin bài mang nội dung quảng cáo và tin bài thuần túy, điều này giúp độc giả nhận biết và phân biệt rõ ràng hơn.
Hơn 22.450 tỷ đồng cho chương trình phòng, chống ma túy
Theo tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tại phiên họp của Quốc hội sáng 8-11, tổng ngân sách dự kiến là hơn 22.450 tỷ đồng, với ngân sách trung ương chiếm gần 79%.
Thảo luận tại phiên họp tổ các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành, thực hiện chương trình, song đề nghị rà soát lại các chỉ tiêu để đảm bảo tính khả thi.
ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhận định, tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến rất phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, táo tợn hơn nhiều, nhất là ở các địa bàn trọng yếu như các tuyến đường biên và một số vùng xa, hẻo lánh.
“Mặc dù trong giai đoạn trước chương trình mục tiêu phòng chống ma túy đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều mục tiêu chưa đạt được, phải tiếp tục làm trong giai đoạn mới”, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhận định và đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn các mục tiêu chưa đạt, từ đó đề ra giải pháp hữu hiệu.
Lưu ý đến nguồn lực phân bổ cho chương trình, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng băn khoăn về cơ chế hỗ trợ nguồn lực cho địa phương trên cơ sở nào, đề xuất theo kênh nào nhằm tạo sự chủ động cho địa phương.
ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) quan tâm đến dự án nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy tại cơ sở (dự kiến cần trên 4.728 tỷ đồng để phân bổ cho các xã có người nghiện ma túy). Đồng thời cho rằng đây là khoản chi cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. “Cơ chế phân bổ cho các địa phương khó khăn, trọng điểm về ma túy cũng chưa rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương, gây khó khăn trong công tác triển khai”, ĐB Huỳnh Thị Phúc nhận định.
Đồng tình với các ý kiến liên quan, ĐB Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang) cho rằng, trong khi có những chỉ tiêu quá cao, lại cũng có những chỉ tiêu quá thấp, không thể hiện được tính quyết liệt trong công tác phòng, chống ma túy. Chẳng hạn, chương trình đề ra chỉ tiêu khống chế, giảm nguồn cung ma túy là 3% (trong khi mục tiêu của giai đoạn trước là giảm 5%; thực hiện đạt 2,48%).
Theo ĐB Nguyễn Văn Quân, tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng có cán bộ, nhân viên làm công tác cai nghiện, còn thấp… Nội dung và tính chất đầu tư của chương trình có những điểm khác biệt so với các chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành, do đó cần có các cơ chế quản lý và giám sát đặc thù hơn.
Lo ngại việc mua bán hóa chất dễ dàng
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) bày tỏ lo ngại về tình trạng mua hóa chất dễ dàng ở Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe, thậm chí tính mạng con người.
Thời gian qua, tình trạng mua bán hóa chất, thậm chí cả các loại chất độc như xyanua, axit diễn ra dễ dàng. Nhiều loại hóa chất được nhập mua với một mục đích này nhưng thực tế khi đưa ra thị trường lại phục vụ cho mục đích khác.
Từ thực trạng trên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) phải có những quy định để tăng cường quản lý việc mua bán, kinh doanh hóa chất.