Tăng cường khai thác các thị trường FTA, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh khai phá các thị trường mới nổi, các thị trường tiềm năng, đặc biệt là các thị trường đã ký kết hiệp đinh thương mại tự do (FTA), nhằm đa dạng hóa thị trường và tăng cường tính bền vững cho hoạt động xuất khẩu.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo các đơn vị tham dự đã giải đáp các vấn đề về phát triển thị trường xuất khẩu trong thời gian tới
Chiều 4/4/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi Họp báo thường kỳ quý I/2025, thông tin tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2025.
Tiếp đà hoàn thành mục tiêu về cơ cấu thị trường trong năm 2025
Chia sẻ tại buổi họp báo về chiến lược xuất nhập khẩu bền vững, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng, bao gồm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030.
"Đến thời điểm này khi chúng ta đi được gần nửa chặng đường thực hiện Chiến lược, tăng trưởng cả về xuất khẩu và nhập khẩu đều vượt chỉ tiêu khá xa", ông Trần Thanh Hải thông tin.
Cùng với đó, theo ông Trần Thanh Hải, yêu cầu đặt ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu là đạt cân bằng về cán cân thương mại. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương thực hiện Chiến lược này tương đối tốt khi liên tục duy trì cán cân thương mại có sự gia tăng, cụ thể năm 2024 đạt thặng dư 24 tỷ USD.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng, bao gồm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030
Cụ thể, cơ cấu mặt hàng và thị trường cân đối, hài hòa thể hiện gia tăng tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Đây là mặt hàng đem lại giá trị gia tăng cao, tỷ trọng xuất khẩu cao, trong đó, tỷ trọng này đặt ra là 88% và nhóm mặt hàng này đang bứt phá đạt chỉ tiêu.
Các kết quả tích cực đã đạt được về tỷ trọng xuất nhập khẩu tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ trong năm 2024 là tín hiệu tốt cho việc tạo đà hiện thực hóa mục tiêu về cơ cấu thị trường trong chiến lược đặt ra vào năm 2025.
Trong thời gian qua, khu vực ASEAN, Đông Á, đặc biệt là khu vực Trung Đông là những nguồn cung nguyên liệu rất quan trọng cho Việt Nam trong phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp năng lượng. Trong thời gian từ nay đến năm 2030, các Bộ, ban, ngành liên quan sẽ tiếp tục điều chỉnh định hướng phù hợp về cơ cấu để hoàn thành các mục tiêu về xuất nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Chủ động khai phá các thị trường FTA và các thị trường mới nổi
Về vấn đề xúc tiến thương mại và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nước ngoài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho biết, theo các báo cáo, tốc độ phát triển tại một số thị trường truyền thống đang có xu hướng chậm lại, nhu cầu nhập khẩu từ đó cũng ảnh hưởng một phần. Do đó, việc chủ động khai phá các thị trường mới nổi hay các thị trường thay thế là yêu cầu cấp thiết, không chỉ nhằm đa dạng hóa thị trường, mà còn giúp Việt Nam tăng cường tính bền vững cho kim ngạch xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường trọng điểm.
"Chúng tôi đặc biệt chú trọng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Việc khai thác hiệu quả các FTA không chỉ liên quan tới câu chuyện về giảm thuế, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, quy chuẩn hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế", Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài, việc chủ động khai phá các thị trường mới nổi hay các thị trường thay thế là yêu cầu cấp thiết nhằm đa dạng hóa thị trường và tăng cường tính bền vững cho kim ngạch xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường trọng điểm
Phát biểu tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh những doanh nghiệp đủ năng lực được khuyến khích tận dụng thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và có nhu cầu lô hàng lớn về xuất khẩu như châu Âu. Bộ Công Thương đã và đang hỗ trợ tích cực nhóm doanh nghiệp này thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm tận dụng các FTA đã ký kết và đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động kết hợp linh hoạt giữa phương thức truyền thống và công cụ công nghệ số. Theo đó, triển khai các chương trình kết nối giao thương trực tuyến với thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông…; tổ chức hội chợ ảo, hội thảo trực tuyến trao đổi giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); đón các đoàn doanh nghiệp quốc tế mua hàng vào Việt Nam, thông qua kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Hình thức này góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp trên toàn cầu, phù hợp với xu thế mới của giai đoạn kinh tế số phát triển hiện nay.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tổ chức hai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong năm 2025. Chương trình đầu tiên dự kiến triển khai trong giai đoạn giữa năm (tháng 6 - 7/2025) và chương trình thứ hai dự kiến tổ chức vào cuối năm, gắn với các chu kỳ tiêu dùng cao điểm, mùa lễ hội, du lịch và Tết. Hai chương trình sẽ kết hợp đồng thời các hoạt động trong nước và quốc tế, bao gồm tổ chức hội chợ triển lãm hàng Việt tại các thị trường chiến lược; kết nối giao thương xuất khẩu theo ngành hàng; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.