Tăng cường kết nối du lịch Lâm Đồng và Ấn Độ

Vừa qua, tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giới thiệu các tiêu chuẩn ngành du lịch Halal và giao lưu, kết nối hợp tác với Công ty lữ hành Ấn Độ.

Các doanh nghiệp Lâm Đồng và Ấn Độ ký kết hợp tác. (Ảnh M.V.B)

Các doanh nghiệp Lâm Đồng và Ấn Độ ký kết hợp tác. (Ảnh M.V.B)

Tại chương trình, các đơn vị du lịch của Lâm Đồng và Ấn Độ đã thông tin, trao đổi, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của hai bên; kết nối, hợp tác, tìm hiểu sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Lạt-Lâm Đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ-du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu tổng quan về ngành du lịch Halal... Từ đây, các doanh nghiệp du lịch có thể định hướng xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng các sản phẩm du lịch-dịch vụ phù hợp thị hiếu của thị trường khách du lịch này.

Ấn Độ là một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng và Đà Lạt-Lâm Đồng đang là điểm đến hấp dẫn tại thị trường Ấn Độ. Tại chương trình, sáu doanh nghiệp của Lâm Đồng và Ấn Độ đã ký thỏa thuận hợp tác phù hợp định hướng phát triển của hai bên.

Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch lô hàng chuối đầu tiên sang Mông Cổ

Công ty cổ phần Banana Brothers Farm, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm chuối đầu tiên sang thị trường Mông Cổ. Sự kiện này là kết quả của Chương trình kết nối doanh nghiệp Đắk Lắk và doanh nghiệp Mông Cổ, đồng thời cụ thể hóa nội dung bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và chính quyền tỉnh Orkhon (Mông Cổ). Chuyến hàng có khối lượng 20 tấn được xuất chính ngạch trực tiếp đến đối tác ở Mông Cổ.

Công ty cổ phần Banana Brothers Farm hiện có hơn 100 ha chuối, sản lượng bình quân hằng năm đạt 10.000 tấn, xuất khẩu 400-500 containers đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện nhu cầu của thị trường thế giới rất lớn, trong đó, Mông Cổ và các nước lân cận có nhiều tiềm năng, yêu cầu khắt khe về chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, song doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chuối và các nông sản chủ lực, nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.

Gia Lai đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt 18,48% (60,621 tỷ đồng); ngân sách địa phương đạt 20,18% (15,762 tỷ đồng). Để bảo đảm đến cuối năm nay, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt hơn 95% theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành công văn đề nghị các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban chuyên môn, ủy ban nhân dân các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nguồn vốn được giao. Đồng thời, sở cũng đề nghị các đơn vị liên quan chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Trung ương, các đơn vị sẽ gửi nội dung về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Nhiều tuyến đường giao thông đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai được đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh Đ.S.T)

Nhiều tuyến đường giao thông đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai được đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh Đ.S.T)

Kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông tăng cao trong tám tháng đầu năm

Tính đến hết tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông đạt 653,7 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện được 95,1 triệu USD, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Cục Thống kê Đắk Nông, có 81,82% doanh nghiệp trong quý II hoạt động thuận lợi và ổn định hơn so với quý I; có 18,18% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm hơn 81% trong tổng giá trị xuất khẩu. Cụ thể như: Nhân điều đạt 13,2 triệu USD, tăng 15,8%; cà-phê đạt 28,8 triệu USD, tăng hơn ba lần; tiêu đen đạt 8,4 triệu USD, tăng gấp hơn hai lần; gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ; alumin đạt 23,7 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước...

Để có thể tiếp tục xu thế hồi phục, theo các chuyên gia kinh tế, tỉnh cần tập trung hỗ trợ, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, tiềm năng; đồng thời, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản cần gia tăng hiệu quả hơn nữa, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của đối tác xuất khẩu.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tang-cuong-ket-noi-du-lich-lam-dong-va-an-do-228394.html
Zalo