Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển ngành Halal Việt Nam

Chiều 22-10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Halal toàn quốc về 'Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam'. Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Ngành Halal là tổng thể các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo như thực phẩm và đồ uống Halal, dược phẩm Halal, mỹ phẩm Halal, thời trang và nghệ thuật, kinh tế số Hồi giáo, y tế và chăm sóc sức khỏe, du lịch thân thiện với người Hồi giáo, chuỗi cung ứng, vận tải và hậu cần Halal, tài chính Hồi giáo.

Với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, Việt Nam mong muốn truyền tải thông điệp “cùng hợp tác và cùng phát triển” với các đối tác Halal trên thế giới nhằm phát huy tối đa các thế mạnh, lợi thế so sánh của Việt Nam để đóng góp thực chất cho sự phát triển chung của ngành Halal toàn cầu.

Thông qua hội nghị, các đại biểu của một số nước đã trao văn kiện hợp tác với Việt Nam; các đại biểu đã trình bày về các cơ hội, tiềm năng và có những đề xuất biện pháp góp phần hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal một cách bài bản, chuyên nghiệp; giúp các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal của Việt Nam tham gia sâu vào thị trường Halal toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược phẩm và mỹ phẩm…

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal gồm: Chè xanh, chè đen. Ngoài các sản phẩm đang xuất khẩu, tỉnh ta cũng có một số sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như: Mật ong, bưởi, trà, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, siro chanh, siro tắc và dưa lưới. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Afghanistan, Pakistan, Mỹ, Liên bang Nga, Hà Lan, Đài Loan, Iran, Indonesia, Brazil, Trung Quốc, Malaysia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị giúp kết nối con người, văn hóa Việt Nam với thế giới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal Việt Nam mạnh mẽ, toàn diện, chuyên nghiệp hơn. Đây cũng là cơ hội kinh doanh và đầu tư mới trong ngành công nghiệp Halal. Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế có thể khẳng định thị trường Halal mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trải dài trên khắp thế giới.

Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn phát triển ngành Halal Việt Nam thành một ngành kinh tế mạnh, là một mắt xích quan trọng trong việc hợp tác phát triển kinh tế toàn cầu. Đồng thời hướng tới phát triển ngành công nghiệp Halal Việt Nam tuy đi sau nhưng phấn đấu đi cùng và và vượt lên; tăng cường đàm phán ký kết, hợp tác về Halal; kêu gọi các đối tác quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến Halal; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm Halal Việt Nam và xây dựng thương hiệu để tham gia giá trị toàn cầu; giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa ẩm thực để kết nối các dân tộc với nhau từ đó tăng cường sự chia sẻ, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển…

Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tang-cuong-hop-tac-quoc-te-phat-trien-nganh-halal-viet-nam-200624.html
Zalo