Tăng cường hoạt động chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ em

Hiện nay, ước tính dân số trẻ em Việt Nam là trên 25 triệu (tỷ lệ trên 25,5% trên tổng dân số), trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên 1,7 triệu trẻ em (tỷ lệ 6,7% trên tổng dân số trẻ em). Năm 2024 vừa qua là năm có nhiều điểm sáng tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Năm 2025, mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, giảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ bị xâm hại vẫn tiếp tục được duy trì…

Hiện nay, ước tính dân số trẻ em Việt Nam là trên 25 triệu. (Ảnh minh họa: VTV)

Hiện nay, ước tính dân số trẻ em Việt Nam là trên 25 triệu. (Ảnh minh họa: VTV)

Trẻ em được chăm lo, bảo vệ trên nhiều phương diện

Chỉ trong một tháng cuối năm 2024 đã diễn ra hai sự kiện quan trọng liên quan đến trẻ em. Đó là chương trình “Mùa xuân cho em” lần thứ 18 do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 19/12/2024 với chủ đề “Tô màu ước mơ em”. Đây là hoạt động thường niên nhiều ý nghĩa của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, góp phần kết nối, lan tỏa, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội trong và ngoài nước vì trẻ em.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, sau 17 năm tổ chức (bắt đầu từ năm 2008), chương trình “Mùa xuân cho em” đã vận động được gần 1.580 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 4 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.

Năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã huy động hơn 116 tỷ đồng và hỗ trợ cho hơn 118 nghìn lượt trẻ em thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Tại “Mùa xuân cho em” lần thứ 18, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng của 60 đơn vị, cá nhân dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong năm 2025.

Thời đại công nghệ số, bên cạnh mặt tích cực, cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với trẻ em như các mối đe dọa về an toàn thông tin hay việc tiếp cận với các nội dung bạo lực, độc hại... Ngày 19/12/2024, Cục An toàn thông tin đã cập nhật và ban hành “Bộ cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”. Đây là tài liệu thiết yếu, giúp phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ nắm bắt kiến thức, kỹ năng, để hỗ trợ trẻ tham gia môi trường mạng tự tin và an toàn, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực. Phiên bản mới cập nhật rủi ro trên môi trường mạng đối với trẻ em, cung cấp các công cụ, giải pháp giúp trẻ tự bảo vệ bản thân trên internet.

Tại Hội nghị về công tác trẻ em năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo trong lĩnh vực trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức vừa qua, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam đã nêu bật một vài điểm nhấn ấn tượng trong công tác trẻ em. Cụ thể, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, đã có 1.657 công trình được xây mới và nâng cấp; trên 2,2 triệu trẻ em được tặng quà với tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng; trên 58 nghìn trẻ em được cấp học bổng với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng; 28 nghìn trẻ em được khám, chữa bệnh miễn phí tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng. Ngân sách dành cho Tháng hành động vì trẻ em tại các địa phương là gần 369 tỷ đồng…

Đáng chú ý, tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc bổ sung căn cước công dân trên hệ thống phần mềm quản lý trẻ em tại cơ sở cho 16,6 triệu trẻ em từ 0 - 16 tuổi và 18,5 triệu trẻ em từ 0 - 18 tuổi.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em

Cũng tại Hội nghị về công tác trẻ em năm 2024, nhiều con số đáng suy ngẫm đã được đưa ra. Về xâm hại trẻ em, theo thống kê của Bộ Công an, 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.057 vụ, xâm hại 2.245 trẻ em (giảm 73 vụ = 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; đây là lần đầu tiên giảm sau 4 năm 2020 - 2023). Trẻ em vi phạm pháp luật 5.228 vụ với 13.904 đối tượng, tuy giảm 10% so với cùng kỳ 2023 nhưng tình hình diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn liều lĩnh, manh động. Đuối nước trẻ em 11 tháng đầu năm 2024 cả nước có 485 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 402 trẻ bị tử vong do đuối nước. Việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng khó lường, trong đó có việc phát sinh cả truyền thống và phi truyền thống…

Bên cạnh đó, các vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng (trẻ em nữ mang thai, tự tử, chết) do người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là thủ phạm (cha, mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế, giáo viên, bảo mẫu trong các cơ sở trông giữ trẻ); bạo lực trường học tiếp tục diễn biến phức tạp, một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn gây mất an ninh, an toàn và bức xúc dư luận xã hội; tình hình trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật tiếp tục có chiều hướng diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn manh động, liều lĩnh; tình trạng lao động trẻ em vẫn tồn tại ở khu vực kinh tế phi chính thức và chuỗi cung ứng, nơi khó phát hiện và kiểm soát…

Theo ông Đặng Hoa Nam, năm 2025 được xem là năm quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Mục tiêu đặt ra là giảm thiểu số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và xâm hại, đồng thời tăng cường các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ em. Chỉ tiêu đến năm 2025 bao gồm giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 6,5% và duy trì 65% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Để thực hiện được những mục tiêu này, việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em là vô cùng cần thiết. Các chương trình truyền thông, giáo dục về quyền trẻ em sẽ được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bậc phụ huynh. Đồng thời, việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cũng sẽ được chú trọng.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhiều thách thức, việc bảo vệ và phát triển quyền trẻ em không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là của toàn xã hội. Chính phủ và các cơ quan chức năng cam kết tạo ra một môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em. Cùng với đó, sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng, gia đình và các tổ chức xã hội sẽ là yếu tố quyết định để trẻ em có thể phát triển toàn diện và được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tang-cuong-hoat-dong-cham-soc-phat-trien-toan-dien-cho-tre-em-post536961.html
Zalo