Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và quy tắc ứng xử cho học sinh
Cùng với nhiệm vụ đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, học sinh nhằm xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và lành mạnh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đàm Thị Trung Thu cho biết: Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và ý thức công dân cho học sinh. Văn hóa học đường được biểu hiện ở các khía cạnh như giao tiếp, ứng xử văn hóa thông qua công tác giảng dạy, học tập, hoạt động tập thể, vui chơi... Vì vậy, nhiệm vụ giáo dục hiện nay không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn phải chú trọng đến việc định hướng giá trị đạo đức và lối sống cho học sinh, sinh viên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững và hướng tới mục tiêu đào tạo được những con người trẻ tuổi, có ước mơ, hoài bão, có đạo đức cao đẹp, tuân thủ pháp luật, có tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin... để các em có thể có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, do đó, các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh với hoạt động giảng dạy chính khóa các môn học, cân đối giữa dạy “chữ” và dạy “người”.
Ngành giáo dục và đào tạo tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên, như phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên xây dựng và triển khai có chất ượng, hiệu quả, thiết thực các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, tạo ra sự lan tỏa các giá trị đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa rộng rãi trong học sinh, sinh viên; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về văn hóa đọc, về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng... hướng tới hình thành, củng cố ở học sinh những giá trị sống đúng đắn: biết yêu và trân trọng sách, yêu mến và tự hào về cảnh quan và những truyền thống văn hóa đẹp của quê hương. Phối hợp với Công an tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch phối hợp, thường xuyên tổ chức các hoạt động phối hợp tuyên truyền, ngoại khóa, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tội phạm trong ngành giáo dục…
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện cam kết giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức chính quyền, đoàn thể liên quan tăng cường công tác giáo dục học sinh. Theo đó, các nhà trường triển khai nhiều hoạt động và biện pháp phối hợp với gia đình trong giáo dục học sinh, sinh viên thông qua các buổi họp phụ huynh đầu năm, cuối năm, trao đổi qua điện thoại, zalo, phần mềm VnEdu... để kịp thời thông tin đến gia đình các vấn đề liên quan đến người học.
Các trường học tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục văn hóa truyền thống, các hoạt động trải nghiệm, về nguồn, đi tìm địa chỉ đỏ, triển khai dạy học thực địa tại các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh...; tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt với các nhân vật lịch sử để giúp học sinh được tìm hiểu lịch sử truyền thống một cách trực tiếp và sinh động.
Với sự linh hoạt, sáng tạo của các trường học, chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên trong 3 năm gần đây cơ bản được nâng lên so với năm học 2019 - 2020 . Trung bình tỷ lệ học sinh tiểu học xếp loại rèn luyện mức tốt, khá hằng năm đạt trên 98%, cấp THCS đạt 98%, cấp THPT đạt 96,8%; kết quả rèn luyện của sinh viên cao đẳng sư phạm đạt 100% từ khá trở lên.