Tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp
Chiều 23-9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo khoa học tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Dự hội thảo có các đồng chí: Tiến sỹ Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các ban Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh; thường trực các huyện ủy; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố...
Giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội. Từ năm 2019 đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì và phối hợp giám sát trên 900 cuộc; tham gia phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản của HĐND, UBND cùng cấp, nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tổ chức trên 600 hội nghị phản biện xã hội... Qua đó, giúp cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo sự đồng thuận xã hội.
Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được MTTQ Việt Nam các cấp cũng được thực hiện có hiệu quả. MTTQ các cấp làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Các ý kiến thảo luận đã khẳng định rõ vai trò của Mặt trận đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong thời gian qua. Đồng thời, đánh giá thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, các chuyên gia trong hoạt động phản biện xã hội; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ chế phối hợp giám sát, phản biện giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền các cấp; đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tăng Thị Dương nhấn mạnh: Ban tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia trực tiếp tại hội thảo và các các ý kiến đã đăng ký. Đây là các tài liệu quý để hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh nghiên cứu, vận dụng làm tốt hơn nữa hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn mới.
Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị, thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và hướng dẫn của MTTQ Việt Nam cấp trên chủ động xây dựng và tổ chức thực có hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.
Trọng tâm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 315-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, thống nhất chương trình giám sát của các cơ quan, ban, ngành để khắc phục việc chồng chéo và nâng cao hiệu quả, chất lượng các cuộc giám sát; nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là kỹ năng giám sát và phản biện xã hội bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.