Tăng cường giám sát bếp ăn tập thể

Xác định an toàn thực phẩm (ATTP) là một yếu tố then chốt trong bảo vệ sức khỏe người dân, Sở ATTP TPHCM đã lập tức triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng bữa ăn cho hơn 14 triệu người dân thành phố.

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến chất lượng và an toàn các bếp ăn tập thể tại trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp.

Phòng ngừa nguy cơ ngộ độc trong trường học

Suốt 1 tuần qua, khoảng 1.200 học viên thuộc nhiều trường học, cơ sở giáo dục đã tham gia các lớp tập huấn ATTP được tổ chức tại 3 điểm thuộc phường Sài Gòn, phường Thủ Dầu Một và phường Bà Rịa (TPHCM).

Sau khi TPHCM hợp nhất, đây là chiến dịch tập huấn toàn diện đầu tiên của Sở ATTP TPHCM nhằm chủ động củng cố mạng lưới ATTP và bảo vệ sức khỏe học sinh từ gốc.

 Các suất ăn trưa cho công nhân của một công ty tại TPHCM

Các suất ăn trưa cho công nhân của một công ty tại TPHCM

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TPHCM, tập huấn ATTP đầu năm học là hoạt động thường niên, Sở ATTP TPHCM phối hợp Sở GD-DT TPHCM tổ chức. Tuy nhiên, trong năm học mới 2025-2026, TPHCM có 3.500 trường học với 2,6 triệu học sinh các cấp - con số lớn nhất cả nước; do vậy, nguy cơ liên quan đến vấn đề thực phẩm sẽ tăng cao so với thời gian trước.

Việc bảo đảm ATTP trong trường học trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế và giáo dục địa phương. Các lớp tập huấn cho hiệu trưởng, cán bộ y tế học đường, bếp trưởng, người phụ trách căng-tin trường học giúp nâng cao nhận thức và năng lực về ATTP, đảm bảo bữa ăn an toàn và không để xảy ra “khoảng trống” về ATTP trong môi trường học đường.

Để thực hiện các mục tiêu trên, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm và giám sát điều kiện bảo quản là tiêu chí bắt buộc trong trường học. Nhà trường cần chủ động lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo yêu cầu ATTP, ưu tiên các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng an toàn như VietGAP, GlobalGAP…

Bên cạnh đó, khu bếp ăn tập thể phải được tổ chức theo nguyên tắc một chiều, đảm bảo từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến phân phối thức ăn đều được kiểm soát chặt chẽ.

Sau khi tập huấn, Sở ATTP TPHCM tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để giám sát, đánh giá thực tế hoạt động bếp ăn trong trường học. Nếu phát hiện sai sót, cơ quan chuyên môn sẽ nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục. Nếu tái phạm, cơ sở sẽ bị xử phạt theo quy định.

Bên cạnh đó, vai trò giám sát của phụ huynh cần được khuyến khích, góp phần tăng cường sự minh bạch, trách nhiệm và công khai trong công tác tổ chức bữa ăn học đường.

“Chúng tôi đặt mục tiêu phòng là chính, nhưng vẫn sẵn sàng phản ứng nhanh khi có sự cố. Ngộ độc dù hiếm, nhưng vẫn có thể xảy ra. Trong năm 2024, thành phố ghi nhận 2 vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm trong trường học, nhưng đều được xử lý kịp thời, số người ảnh hưởng dưới 10 người mỗi vụ”, bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin.

Trong trường hợp xảy ra sự cố về ATTP, lãnh đạo Sở ATTP TPHCM đề nghị các nhà trường phối hợp kịp thời với cơ quan chuyên môn để xử lý trong tầm kiểm soát, tiến hành khoanh vùng, kiểm tra dịch tễ và thông tin minh bạch với phụ huynh.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đặc biệt đề nghị, các trường ngoài công lập không nên che giấu sự cố hoặc tự ý đưa học sinh đi điều trị và lấy mẫu kiểm nghiệm, vì điều này gây khó khăn cho việc quản lý cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của phụ huynh và xã hội.

Đảm bảo an toàn bữa ăn cho công nhân

Sau khi hợp nhất, TPHCM mở rộng địa bàn, quy mô dân số lên đến hơn 14 triệu người. Không chỉ số lượng trường học tăng cao, mà các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng tăng mạnh, đặt ra yêu cầu cấp thiết về đảm bảo chất lượng và an toàn cho bữa ăn công nhân.

Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trở nên thách thức hơn trong khi số lượng nhân lực về ATTP lại rất mỏng.

Trong buổi giám sát của Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội với TPHCM vào ngày 22-7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhận định, TPHCM hiện nay có quy mô lớn, dân số đông, thách thức cũng sẽ nhiều hơn.

Riêng đối với vấn đề ATTP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng yêu cầu Sở ATTP phải tiếp tục chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bữa ăn của người dân thành phố, đặc biệt chăm lo cho bữa ăn của người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên toàn địa bàn.

Trong bối cảnh mới và các vi phạm ATTP vẫn âm thầm diễn ra, lãnh đạo Sở ATTP TPHCM nhìn nhận, cần phải tính toán và lập ra chương trình hành động cụ thể, phù hợp với từng khu vực. Dự kiến trong thời gian tới, Sở ATTP sẽ tổ chức các chương trình kiểm tra chuyên đề về bữa ăn công nhân đối với khu vực tập trung khu chế xuất, khu công nghiệp, nhất là địa bàn Bình Dương trước đây.

Các đội ATTP - “cánh tay nối dài” của Sở ATTP - sẽ bám sát các phường phụ trách, vừa đảm bảo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, vừa kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Với địa bàn mở rộng, mô hình quản lý ATTP của TPHCM cũng được điều chỉnh.

Trên quy mô 168 phường, xã, đặc khu, Sở ATTP TPHCM hiện có 14 đội ATTP, trong đó 3 đội phụ trách 3 chợ đầu mối, mỗi đội còn lại phụ trách từ 12-15 phường. Đây là khối lượng công việc không nhỏ, thậm chí rất nặng nề.

Bên cạnh quản lý nội bộ, TPHCM cũng triển khai mở rộng chuỗi thực phẩm an toàn liên tỉnh. Việc mở rộng chuỗi giúp kiểm soát nguồn cung từ đầu, tránh tình trạng thực phẩm không an toàn “né” thành phố để tuồn qua các tỉnh giáp ranh rồi quay lại.

Đồng thời, đảm bảo người dân thành phố có thể tiếp cận được nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc từ nguồn đến mâm cơm hàng ngày.

Ngày 26-7, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, Sở ATTP TPHCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2024.

Trong những năm qua, với thế mạnh là vùng chuyên canh rau, hoa, trái cây, các sản phẩm nông sản của tỉnh Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng trong cung ứng nguồn thực phẩm an toàn, ổn định cho thị trường TPHCM.

Công tác phối hợp giữa hai địa phương không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo nguồn cung mà còn chú trọng quản lý chất lượng, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, đảm bảo ATTP từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả, xác định thế mạnh, thách thức và đề ra phương hướng phối hợp hiệu quả hơn trong quản lý, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giữa hai địa phương trong thời gian tới.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-cuong-giam-sat-bep-an-tap-the-post805499.html
Zalo