Tăng cường đối thoại tạo đồng thuận xã hội
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Nam Định, Hà Nam và Thái Bình đã thực hiện tốt việc phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua các hoạt động đối thoại lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, tình cảm, giải quyết thấu đáo khó khăn, vướng mắc, nhất là mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp. Việc tạo được sự đồng thuận đã góp phần xây dựng mối đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu phát triển chung của mỗi địa phương.

Đo đạc đất tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Tổ hợp dự án thép xanh do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động đối thoại, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Hà Nam đã tổ chức hơn 500 cuộc trao đổi, gặp gỡ và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Nhìn chung, các buổi đối thoại diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn.
Các ý kiến phản ánh, trao đổi, góp ý, kiến nghị về những vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc, những bất cập về chủ trương, cơ chế, chính sách; đồng thời đề xuất những giải pháp trong tổ chức, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; những cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và những vấn đề xã hội khác được đông đảo người dân quan tâm.
Mới đây, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam có buổi đối thoại với thanh niên toàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp tại hội trường và trực tuyến tại sáu điểm cầu các huyện, thành phố, thị xã. Đoàn viên, thanh niên đặt ra nhiều câu hỏi liên quan ba nhóm vấn đề về nghề nghiệp, việc làm và chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên; giáo dục-đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh, thiếu niên; công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội, Đoàn tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Hơn ba tiếng đối thoại đã giải quyết, làm rõ những vấn đề rất cụ thể từ thực tiễn.
Đồng chí Trương Quốc Huy cho biết, đối thoại dân chủ với tổ chức, cá nhân, nhất là với thế hệ trẻ là một kênh rất quan trọng để nắm bắt thông tin từ nhiều phía; kịp thời xử lý, tháo gỡ ngay những bất cập phát sinh.
Trong những năm gần đây, tỉnh Nam Định tập trung phát triển công nghiệp và đã thu hút được nhiều dự án, nhà đầu tư lớn. Ở bất cứ thời điểm nào, sự đồng thuận, nhất trí của những người dân bị thu hồi đất cũng quyết định rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án.
Đơn cử như Tổ hợp dự án thép xanh do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư 98.900 tỷ đồng bao gồm các dự án: Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, công suất 2 triệu tấn/năm; Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định, công suất 7,5 triệu tấn/ năm và Nhà máy sản xuất cấu kiện bê-tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định công suất 350.000 tấn/năm.
Tỉnh Nam Định chủ trương thu hồi 425 ha đất bãi bồi ven biển tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng), vốn là diện tích đất công cho khoảng 400 hộ dân thuê nuôi trồng thủy sản, đã kết thúc hợp đồng từ năm 2022, để giao triển khai Tổ hợp dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện.
Theo đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, để có được sự đồng thuận, thống nhất từ các hộ dân nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tỉnh Nam Định đã kiên trì đối thoại với các hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng ở Cồn Xanh.
Trong các lần đối thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, có sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan; có hai lần đối thoại có sự tham gia của một số bộ, ngành Trung ương. Tỉnh chỉ đạo huyện Nghĩa Hưng tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân Cồn Xanh. Qua đối thoại, nhiều vấn đề người dân quan tâm đã được giải đáp thấu lý đạt tình.
Đến nay, hầu hết các hộ dân tại khu vực Cồn Xanh đã bàn giao mặt bằng cho chính quyền để phục vụ triển khai các dự án.
Còn tại tỉnh Thái Bình, từ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện đến các phòng, ban trong hệ thống chính trị thường xuyên trao đổi, thông tin hai chiều và tổ chức các hội nghị đối thoại để cùng nhau làm rõ nhiều vấn đề khúc mắc nảy sinh trong quá trình làm việc. Việc người dân xã Đông Á (huyện Đông Hưng) không nhất trí xây dựng nhà máy rác công nghệ cao tại địa bàn năm 2023, tỉnh chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tiếp và đối thoại công khai với 200 người dân.
Buổi đối thoại đã giải quyết được một số nội dung cơ bản mà người dân thắc mắc, tuy nhiên còn nhiều vấn đề quan trọng chưa được làm rõ, người dân tiếp tục có ý kiến. Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp về địa phương đối thoại thẳng thắn với đông đảo bà con ngay tại hội trường xã. Cuối cùng, giữa chính quyền và người dân đã thống nhất rõ quan điểm: “Dự án tiếp tục được triển khai nếu tuân thủ đúng pháp luật và được sự đồng thuận của nhân dân”.
Qua theo dõi, hoạt động đối thoại dân chủ ở Thái Bình được triển khai đều đặn ở nhiều cấp độ và đối tượng khác nhau. Đó là cuộc đối thoại của Thường trực Tỉnh ủy với 1.000 đoàn viên, thanh niên tháng 3/2023; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại với 200 nông dân tháng 11/2023; Thường trực Tỉnh ủy đối thoại với 355 cán bộ, giáo viên tháng 3/2024. Ở các huyện, thành phố, từ đồng chí Bí thư, Chủ tịch cho đến lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện nền nếp việc đối thoại dân chủ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và thông tin hai chiều, từ đó tạo đồng thuận xã hội.
Để đối thoại dân chủ thực chất, hiệu quả
Thời gian qua, việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được tỉnh Nam Định chỉ đạo các cấp, ngành đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm; xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể; sau các buổi tiếp xúc, đối thoại có thông báo kết luận đến người dân.
Không chỉ trong giải phóng mặt bằng, nhờ đối thoại, nhiều vấn đề về đời sống dân sinh, mối quan tâm của các ngành, các giới, nhất là những vấn đề bức xúc trong nhân dân được nắm bắt, chỉ đạo giải quyết, nhờ đó hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo sự đồng thuận cao để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chương trình phát triển tỉnh đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ: Tiếp xúc, đối thoại là diễn đàn trao đổi, thảo luận dân chủ để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận.
Tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), thông qua bàn bạc, trao đổi và đối thoại, chính quyền và người dân đã tạo được sự đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng. Từ năm 2021 đến nay, đã có khoảng 5.000 hộ dân tự nguyện hiến hơn 40 ha đất ở và đất nông nghiệp với giá trị hơn 500 tỷ đồng để làm đường giao thông. Người dân của gần 30 xã trên địa bàn huyện đã góp quyền sử dụng đất không đòi lại để huyện triển khai mở rộng đường giao thông phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Chưa dừng lại ở đó, Thường trực Huyện ủy Quỳnh Phụ đang tiếp tục thực hiện chủ trương vận động nhân dân không chỉ hiến đất, mà hiến cả tài sản trên đất cho Nhà nước xây dựng các tuyến đường giao thông trục thôn, đường trục chính nội đồng.
Kinh nghiệm trong triển khai tiếp xúc, đối thoại ở các tỉnh nam Đồng bằng sông Hồng thời gian qua cho thấy, các cấp ủy, chính quyền đã chủ động đưa nội dung tiếp xúc, đối thoại vào chương trình công tác hằng năm. Các đơn vị chức năng kịp thời ban hành văn bản tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị các nội dung, điều kiện bảo đảm việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả; quan tâm chỉ đạo các bộ phận giúp việc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ trong công tác tiếp xúc, đối thoại.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại tại một số đơn vị thực hiện nghiêm túc gắn với kiểm tra thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và xử lý, giải quyết kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại, các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Thái Bình đang có các giải pháp căn cơ như: Nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; lựa chọn hình thức, nội dung tiếp xúc, đối thoại phù hợp với tình hình thực tiễn; sau khi tiếp xúc, đối thoại phải ban hành thông báo kết luận kết quả tiếp xúc, đối thoại.
Bên cạnh đó, các tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý kỷ luật đối với những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp xúc, đối thoại; đồng thời hằng năm đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp xúc, đối thoại, thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại.