Tăng cường đối thoại, hòa giải trong án dân sự về đất đai, tín dụng

Các tranh chấp dân sự chủ yếu liên quan đến đất đai, hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tài sản… Việc tăng cường đối thoại, hòa giải tại tòa án giúp giải guyết, góp phần củng cố đoàn kết trong nhân dân...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2024, Tòa án các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm ma túy, xâm phạm trật tự an toàn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm mạng...

Các Tòa án vừa phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, vừa phải tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; chuẩn bị các điều kiện để triển khai Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

HÒA GIẢI THÀNH 142.128 VỤ VIỆC DÂN SỰ

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, tòa án các cấp đã thụ lý 498.632 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Các tòa án đã giải quyết, xét xử được 436.372 vụ việc; đạt tỷ lệ 87,51%, cao hơn năm trước 0,47% và vượt 2,51% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra (trên 85%).

So với năm 2023, số thụ lý tăng 29.804 vụ; giải quyết, xét xử tăng 28.302 vụ. Trong đó, các tòa án đã thụ lý 19.516 vụ việc kinh doanh thương mại, đã giải quyết, xét xử được 14.918 vụ việc, đạt tỷ lệ 76,44%.

Thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy, các tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp liên quan đến đất đai, thừa kế tài sản, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng...

Báo cáo nêu rõ các Tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ việc. Đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, tính đến nay chỉ còn 28 vụ việc để quá thời hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan (chiếm 0,006% tổng số vụ việc thụ lý).

Ngoài ra, các Tòa án đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án; đã hòa giải thành 142.128 vụ việc bằng 34,34% tổng số các vụ việc dân sự sơ thẩm đã giải quyết, góp phần củng cố đoàn kết trong nhân dân.

Đặc biệt, báo cáo cho thấy, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Tòa án các cấp tiếp tục làm tốt công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; phát hành cuốn Sổ tay nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Tờ rơi tuyên truyền, phổ biến Luật; cuốn chỉ dẫn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án…

Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, trong đó có giải đáp một số vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên là những người hiểu biết về pháp luật, có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực công tác, hiểu biết về phong tục tập quán và có uy tín trong cộng đồng dân cư… Trong kỳ báo cáo, các Tòa án đã nhận được 304.106 đơn khởi kiện (299.190 đơn dân sự; 4.916 đơn hành chính) đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại theo quy định.

Trong số 144.000 đơn đương sự đồng ý hòa giải, các Tòa án đã giải quyết 131.830 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,55% (hòa giải, đối thoại thành 70.738 vụ việc; người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong quá trình hòa giải, đối thoại 16.014 vụ, việc; hòa giải, đối thoại không thành 22.123 vụ việc; không tiến hành hòa giải, đối thoại được 22.955 vụ việc).

CHUẨN BỊ CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÀNH LẬP TÒA ÁN CHUYÊN BIỆT VỀ PHÁ SẢN

Về giải quyết các vụ việc phá sản, các Tòa án đã thụ lý 296 đơn yêu cầu mở thủ tục tuyên bố phá sản; đã giải quyết 162 đơn; đạt tỷ lệ 54,73%. Các Tòa án đã ra quyết định tuyên bố phá sản đối với 47 doanh nghiệp/175 quyết định mở thủ tục phá sản đã giải quyết.

Quá trình giải quyết các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, các tòa án còn gặp một số khó khăn trong việc xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, việc giám sát hoạt động của Quản tài viên, vấn đề tạm ứng chi phí phá sản, có trường hợp doanh nghiệp bị yêu cầu phá sản thực tế đã đóng cửa không hoạt động hoặc không hợp tác, phối hợp cung cấp thông tin cho Tòa án…

Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi); đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Tòa chuyên biệt về phá sản theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ việc về phá sản.

Năm qua, tòa án các cấp đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 201 vụ với 1.011 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ với số tiền và tài sản trên 16.297 tỷ đồng; có 152 vụ với 788 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 638,5 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-cuong-doi-thoai-hoa-giai-trong-an-dan-su-ve-dat-dai-tin-dung.htm
Zalo