Tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân

Đối thoại trực tiếp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, dư luận, tình hình địa bàn, tạo tác động tích cực hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền và người dân. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, cán bộ cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, nhất là người đứng đầu đã tăng cường đối thoại với nhân dân. Thông qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nắm được những vấn đề mới, chưa phù hợp, có cơ sở thực tiễn để chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.

Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh với cán bộ, đảng viên (CBĐV), nhân dân xã Đồng Du (Bình Lục) được tổ chức cuối năm 2023 với sự điều hành của đồng chí Lê Thị Thủy, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Với tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, tại hội nghị, đại biểu CBĐV, nhân dân Đồng Du đã có 16 lượt ý kiến, đề xuất tập trung vào nội dung: nâng cao vai trò của tổ chức đảng; coi trọng công tác phát triển đảng viên mới trong doanh nghiệp; quan tâm, tạo điều kiện cho cấp xã được ký hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; xem xét quy định, bố trí thêm chức danh phó trưởng thôn sau sáp nhập; xem xét hỗ trợ phụ cấp hằng tháng và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho phó bí thư chi bộ, trưởng chi hội, phó bí thư chi đoàn; sớm có cơ chế hỗ trợ trong thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn sau sáp nhập; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình, trình tự, thủ tục đấu giá đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, tránh tình trạng lãng phí đất đai; tạo điều kiện để địa phương điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch tỉnh; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại các cấp học; có chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ kinh phí tu bổ những di tích lịch sử xuống cấp… Đây là những ý kiến, kiến nghị, đề xuất, trao đổi rất tâm huyết, sát thực tế đời sống của CBĐV, nhân dân địa phương.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Du (Bình Lục) nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Du (Bình Lục) nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh.

Với tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp trả lời, giải đáp và chỉ đạo các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trao đổi, trả lời đầy đủ những ý kiến xác đáng, sát thực, tâm huyết, trách nhiệm của CBĐV, nhân dân Đồng Du. Với những nội dung cần thêm thời gian nghiên cứu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, tập trung xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản cụ thể trên từng lĩnh vực, qua đó tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Được (người dân thôn An Bài 1, Đồng Du) chia sẻ: Tại hội nghị đối thoại, chúng tôi được thẳng thắn đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh nhiều vấn đề, trong đó có nội dung: tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn sau sáp nhập. Được biết, chủ trương đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn sau sáp nhập đã được tỉnh ban hành cụ thể, có cơ chế hỗ trợ rõ ràng theo từng cấp cùng sự huy động nội lực trong nhân dân. Người dân chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ, tuy nhiên kiến nghị tỉnh nâng mức hỗ trợ để giảm phần đóng góp từ nhân dân.

Gần đây nhất, ngày 14/4/2024, Thị ủy, UBND thị xã Duy Tiên tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, hội viên, thanh niên thị xã. Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đoàn viên, hội viên, thanh niên thị xã Duy Tiên đã nêu 10 lượt ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nhóm vấn đề: Công tác phân luồng, đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên; an ninh trên không gian mạng; việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, giải quyết việc làm cho thanh niên sau xuất ngũ; định hướng tư tưởng và giáo dục truyền thống đối với thanh niên… Với tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo thị xã Duy Tiên đã lắng nghe, tiếp thu; đồng thời, trực tiếp trả lời, giải đáp và chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực tiếp trao đổi, trả lời đầy đủ. Với những ý kiến vượt thẩm quyền, lãnh đạo thị xã chỉ đạo ngành chuyên môn tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời trong thời gian sớm nhất.

Hoạt động đối thoại là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, góp phần đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền. Từ nhận thức đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Hướng dẫn 09 ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo 100% huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành quy định, hướng dẫn về hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Hằng năm, hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được đưa vào chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền; xác định rõ thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng đối thoại... Nhờ đó, hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được duy trì nền nếp, ngày càng đạt hiệu quả thiết thực hơn.

Kết quả, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 256 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân (cấp tỉnh: 8 hội nghị, cấp huyện: 38 hội nghị; cấp xã: 210 hội nghị). Sau hội nghị đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đều ban hành văn bản kết luận, chỉ đạo các ngành chức năng theo lĩnh vực được phân công giải quyết kịp thời những ý kiến nhân dân phản ánh, kiến nghị.

Đây chính là điều kiện căn bản nhằm hạn chế phát sinh những vụ việc phức tạp, không để hình thành “điểm nóng”, giảm đáng kể đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, giúp cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu nắm bắt, nhìn nhận rõ những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong thực thi công vụ, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục phù hợp, kịp thời. Quan trọng hơn là hoạt động đối thoại đã góp phần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao, động viên CBĐV, nhân dân nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/tang-cuong-doi-thoai-giua-nguoi-dung-dau-cap-uy-chinh-quyen-voi-nhan-dan-131713.html
Zalo