Tăng cường đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch cũng như sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thiếu dịch vụ để tăng tính trải nghiệm và phục vụ du khách. Ảnh: P.Sỹ.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thiếu dịch vụ để tăng tính trải nghiệm và phục vụ du khách. Ảnh: P.Sỹ.

Điển hình như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là một mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù. Sau hơn 10 năm hình thành, đến nay, Làng có hạ tầng khá đẹp, mỗi năm đón khoảng 500.000 lượt du khách. Song điều đáng tiếc là hiện nay Làng Văn hóa không có cơ sở lưu trú đủ đáp ứng nhu cầu của khách.

Theo quy định, Làng Văn hóa “được hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác; được thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược về đầu tư, xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay một số thẩm quyền của Làng Văn hóa vẫn bất cập với những quy định của một số luật hiện hành.

Theo ông Trịnh Ngọc Chung - quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa, những vấn đề trên cũng chính là những nguyên nhân khiến cho Làng Văn hóa chưa hoàn thành công tác đầu tư xây dựng các khu chức năng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; chưa hoàn thành tổng thể theo quy hoạch hệ thống hạ tầng du lịch có quy mô lớn như thương mại, triển lãm, vui chơi giải trí, khách sạn, thể dục, thể thao.

Hay như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các đề án để thu hút các nhà đầu tư vào văn hóa. Bên cạnh đó, với vị trí tại trung tâm thành phố, giá thuê đất cũng là một trở ngại. Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, phần lớn các bảo tàng ở vị trí những trung tâm thành phố, những con đường lớn… thì thuế sẽ rất cao. Như vậy nhà đầu tư sẽ không đủ khả năng để chi trả, khi đó lợi ích họ thu lại sẽ không còn.

Đây cũng là vướng mắc với Nhà hát Kịch Việt Nam. NSƯT Kiều Minh Hiếu - Phó Giám đốc Nhà hát chia sẻ, hiện Nhà hát đang gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn việc thu hút nhà đầu tư vào thiết chế văn hóa. Gần đây các cơ quan văn hóa trong hệ thống công lập có cơ sở vật chất đã sẵn sàng làm đề án để thu hút đầu tư. Nhưng đây vẫn là bài toán khó tìm ra lời giải. Bởi có nhiều nhà đầu tư rất hăng hái lúc ban đầu nhưng sau một thời gian không thể phát triển được phải rút đi.

Được biết, liên quan đến những vấn đề này, Bộ Tài chính đã hoàn tất công tác soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151, trình Chính phủ vào tháng 8/2023 và tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ vào đầu tháng 4/2024, báo cáo Chính phủ ký ban hành.

Trong đó, giải quyết cơ bản vướng mắc mà các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành văn hóa nói riêng. Từ đó làm rõ về nghĩa vụ tài chính, tiền thuê đất, việc sử dụng vào mục đích phục vụ dịch vụ công và sử dụng tài sản phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết.

Bà Trần Diệu An - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Thủ tướng giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẩn trương rà soát để ban hành nghị định liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm giải quyết được rốt ráo vướng mắc liên quan trong việc quản lý.

Còn bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, các hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao cần được nhân rộng ra các địa phương, không chỉ dừng ở Hà Nội, TPHCM. Các thành phố trực thuộc trung ương khác như Đà Nẵng, Cần Thơ và một số đô thị khác trên cả nước cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để khi có dự án phù hợp, có doanh nghiệp muốn đầu tư thì sẽ có các cơ chế cần thiết để áp dụng hình thức đầu tư này.

Hiện đã có 42 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã quy hoạch đất dành cho công tác xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Đây là những nền tảng quan trọng để văn hóa thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người dân, cũng như làm giàu cho nền kinh tế đất nước.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-cuong-doi-tac-cong-tu-trong-linh-vuc-van-hoa-10285400.html
Zalo