Tăng cường đào tạo lãnh đạo chiến lược trong kỷ nguyên số

Khóa học ngắn hạn 'Chứng chỉ lãnh đạo chiến lược về các vấn đề khu vực công và quốc tế' được triển khai ở Việt Nam và Australia nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo cốt lõi cho các nhà quản lý, đồng thời hỗ trợ họ áp dụng kiến thức và kỹ năng mới vào công việc hằng ngày, sẵn sàng ứng phó các vấn đề khu vực và quốc tế.

Khóa học thứ 3 “Chứng chỉ lãnh đạo chiến lược về các vấn đề khu vực công và quốc tế”.

Khóa học thứ 3 “Chứng chỉ lãnh đạo chiến lược về các vấn đề khu vực công và quốc tế”.

Đây là khóa học do Chính phủ Australia dành cho Việt Nam, được tổ chức thông qua Trung tâm Việt-Australia (VAC) hợp tác Đại học Curtin thực hiện nhằm góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng cho nguồn nhân lực của Việt Nam; khẳng định hợp tác giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những trọng tâm trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Chương trình học tập trung vào 4 trụ cột chính có tác động lớn trong lãnh đạo khu vực công: lãnh đạo với tầm nhìn địa phương và toàn cầu; tăng trưởng phát triển bền vững với bảo vệ môi trường; lãnh đạo trong kỷ nguyên số và lãnh đạo vì sự hòa nhập xã hội-những yếu tố phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; quy hoạch tổng thể quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Các nội dung đào tạo phù hợp nhu cầu, định hướng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.

Các nội dung đào tạo phù hợp nhu cầu, định hướng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.

Những kiến thức liên quan “lãnh đạo trong kỷ nguyên số” thu hút sự quan tâm lớn của học viên, bởi đây là một chủ đề mang tính thời sự, khám phá những thách thức và cơ hội mà công nghệ số mang lại cho lãnh đạo khu vực công, bao gồm các khía cạnh như lãnh đạo từ xa, quản lý dữ liệu lớn, an ninh mạng và tận dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ công tốt hơn.

Khả năng quản lý chuyển đổi kỹ thuật số và khai thác công nghệ để thúc đẩy đổi mới và lãnh đạo trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công, cho biết, điều đáng giá nhất sau khi tham gia khóa học là đã giúp học viên nhìn sâu sắc hơn về hành động thực tiễn trong phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, về những cơ hội và thách thức trong tương lai để người lãnh đạo cần có những quyết sách phù hợp.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Kiên, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III, cho rằng, sự kết hợp giữa các chủ đề mang lý thuyết nền tảng và các vấn đề thời sự, như lãnh đạo trong kỷ nguyên số và phát triển bền vững, cùng với nghiên cứu, khảo sát thực tiễn tại một số cơ sở kinh tế và chính quyền địa phương thật sự rất bổ ích đối với những người làm quản lý.

Đối với Tiến sĩ Âu Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường Chính trị Bắc Kạn, tuy là khóa học ngắn hạn nhưng đã “thu hoạch” được nhiều kiến thức hữu ích để nâng cao năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên số.

Bà tâm đắc với vấn đề tận dụng các thế mạnh của khu vực kết hợp sự hỗ trợ từ quốc gia để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và công bằng cho tất cả các cộng đồng, bởi đó cũng là mối quan tâm của đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Có thể nói, các nội dung đào tạo phù hợp nhu cầu, định hướng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, từ kỹ năng lãnh đạo với tầm nhìn toàn cầu, phát triển bền vững cho đến số hóa dữ liệu và Chính phủ điện tử.

Học hỏi và chia sẻ kiến thức giữa Việt Nam và Australia.

Học hỏi và chia sẻ kiến thức giữa Việt Nam và Australia.

Tại khóa học, các học viên được trang bị kiến thức để cân bằng giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm bảo vệ sinh thái, phát triển năng lượng tái tạo, sự cần thiết của việc xây dựng khung chính sách và quy định để phát triển bền vững; tận dụng các thế mạnh của khu vực kết hợp sự hỗ trợ từ quốc gia để thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cả khu vực và quốc gia, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và công bằng cho tất cả các cộng đồng.

Thông qua các hoạt động tập huấn chuyên sâu và tham quan thực tế tại Việt Nam và Australia, các học viên, các chuyên gia, lãnh đạo điều hành cấp cao từ cả khu vực công và tư của hai nước đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mạng lưới xã hội và vốn xã hội toàn cầu, quốc gia và khu vực, bảo đảm học viên có thể kết nối với đồng nghiệp trong nước và quốc tế để áp dụng vào công việc của mình trong tổ chức. Vì thế, chương trình nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kiến thức giữa Việt Nam và Australia.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: "Không chỉ được tiếp cận kiến thức hiện đại về quản trị, chuyển đổi số, bình đẳng giới, lãnh đạo chiến lược, tôi còn có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia, giảng viên, lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Australia và các tổ chức uy tín. Những trải nghiệm thực tế tại các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và cơ quan công quyền của Australia đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn, tiếp thu nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả để có thể vận dụng vào công tác lãnh đạo, quản lý tại Việt Nam".

Giáo sư XiaoTian Zhang, Phó Hiệu trưởng phụ trách Hợp tác quốc tế, Đại học Curtin, cho rằng: "Khi cùng nhau hợp tác, chúng ta sẽ tạo nên sự khác biệt cho con người và môi trường sống của chúng ta".

Trong khuôn khổ khóa học, các học viên đã xây dựng và trình bày 16 sáng kiến dự án thực tiễn tại nơi làm việc phù hợp các lĩnh vực trọng tâm của chương trình, có thể ứng dụng ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, nhằm tạo ra những thay đổi có ý nghĩa và có thể đo lường được trong khu vực công.

Bà Renee Deschamps - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho hay, quan hệ đối tác giữa Australia và Việt Nam chưa bao giờ năng động và toàn diện như hiện nay.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, những trải nghiệm, hiểu biết và mạng lưới kết nối mà các học viên đã xây dựng trong khóa học sẽ làm phong phú thêm thực tiễn nghề nghiệp của họ, nâng cao khả năng lãnh đạo, cũng như các sáng kiến thay đổi có tác động dựa trên bằng chính các dự án gắn với công việc, góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia", bà Renee Deschamps chia sẻ.

Đây là khóa học lần thứ ba kể từ năm 2022 do Chính phủ Australia dành cho Việt Nam, được tổ chức thông qua Trung tâm Việt-Australia (VAC) hợp tác cùng Đại học Curtin thực hiện.

Thông qua khóa học trong thời gian 3 tháng, 16 cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Trung ương như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng đại diện đến từ các cơ quan, đơn vị của các tỉnh: Hà Tĩnh, Kiên Giang, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bắc Kạn và Tuyên Quang đã xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng theo nhiều chuyên đề khác nhau gắn liền với nhu cầu và thực tiễn tại Việt Nam.

HẰNG THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-dao-tao-lanh-dao-chien-luoc-trong-ky-nguyen-so-post880790.html
Zalo