Tăng cường công tác quản lý và chuẩn bị hộ đê mùa mưa lũ
PTĐT - Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 đợt mưa giông, kết hợp các hình thái nguy hiểm...
PTĐT - Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 đợt mưa giông, kết hợp các hình thái nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá gây thiệt hại nặng cho nhiều địa phương. Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, để chủ động đảm bảo an toàn các công trình đê điều, sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch đánh giá hiện trạng công trình đê điều, xác định vị trí trọng điểm và xây dựng phương án hộ đê; đồng thời tổ chức kiểm tra, tham mưu xử lý khắc phục kịp thời công trình đê điều bị sự cố sập, sạt lở do mưa, lũ gây ra.Năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 đợt thiên tai, gây ra thiệt hại trên diện rộng, làm 1 người chết, 2 người bị thương, hư hỏng nhiều vật kiến trúc, hoa màu và tài sản của nhân dân; tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 16.400 triệu đồng. Mưa lũ cũng gây sạt lở, hư hỏng một số công trình thủy lợi, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã khẩn trương rà soát, kiểm tra, xác định các điểm xung yếu cần điều chỉnh, xử lý. Trong đó đã xử lý sạt lở kè Xuân Huy đoạn từ Km68+660-Km69+250 đê tả Thao; sạt lở kè Bản Nguyên đoạn K84+250-Km84+500 đê tả Thao (huyện Lâm Thao); rà soát, kịp thời sửa chữa, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, các cống dưới đê bị hư hỏng. Đồng thời củng cố trên 394km đê và hành lang đê, hoàn thành 1 tuyến đê từ cấp III trở lên, đoạn Km64-Km75 đê tả Thao huyện Lâm Thao, 2 tuyến đê dưới cấp III thị xã Phú Thọ; khắc phục sự cố tràn đê tả sông Thao đoạn từ Km11,0-Km15,0 thuộc địa bàn huyện Hạ Hòa. Đến nay đã thi công xong phần đắp tôn cao, áp trúc; đang thực hiện hoàn thiện mặt đê và thi công xong phần đắp tôn cao, đắp trả mái đê bị sạt lở của đê tả, hữu sông Bứa thuộc địa bàn huyện Tam Nông và Cẩm Khê.Ông Trần Quốc Bình- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Bên cạnh việc tập trung huy động nguồn lực để xử lý các sự cố do mùa mưa lũ năm trước gây ra, mùa mưa lũ năm nay, căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trên địa bàn tỉnh, Sở NN& PTNT tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, xác định 19 vị trí trọng điểm là: Kè Cao Mại, kè Kinh Kệ, khu vực đê bối thuộc xã Thụy Vân, Vĩnh Lại, Bản Nguyên, Xuân Huy, cống Vĩnh Mộ và 6 cửa khẩu thuộc đê tả Thao; 6 phai ghi đường sắt thuộc đê hữu Lô.Ngay sau khi xác định được những vị trí trọng điểm, xung yếu, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành, thị xây dựng phương án bảo vệ cụ thể, phân công các đơn vị chức năng chịu trách nhiệm xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra. Các xã, phường, thị trấn chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực trên địa bàn để chủ động, sẵn sàng xử lý nhanh các tình huống ngay từ đầu như sơ tán dân, chuẩn bị phương tiện, vật tư phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt chú ý vận hành cống dưới đê và tổ chức tuần tra canh gác đê trong mùa lũ. Các cấp, các ngành duy trì chế độ thường trực phòng chống thiên tai 24/24 giờ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản dưới Luật tới mọi người dân. Kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; thông tin kịp thời chính xác diễn biến thời tiết khí tượng thủy văn và diễn biến các công trình, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trường hợp chống tràn phải khẩn cấp tập trung các phương tiện cơ giới để vận chuyển đất, các loại vật tư, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian tham gia xử lý sự cố.