Tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
Với lợi thế là tỉnh có dãy núi đá vôi lớn, việc quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản, thu hút các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, đầu tư khai thác chế biến đá lâu dài sẽ góp phần nâng cao được giá trị tài nguyên khoáng sản. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo khai thác khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường; chỉ lựa chọn doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu, hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường... góp phần đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp.
Nhằm nâng cao giá trị khai thác tài nguyên khoáng sản, trong giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh định hướng không khuyến khích khai thác khoáng sản và chỉ lựa chọn doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm về môi trường, hài hòa các lợi ích trong sản xuất- kinh doanh. Về cơ chế chính sách, tỉnh đã chỉ đạo các ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng khai thác, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo đảm cảnh quan, môi trường; ưu tiên, khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng khoáng sản chế biến ra các sản phẩm chuyên sâu. Đối với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản, tỉnh chỉ đạo củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý khoáng sản, môi trường; các cán bộ chuyên trách phải được đào tạo đúng chuyên ngành, thường xuyên được tập huấn nâng cao nghiệp vụ, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm; tham mưu UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực đối với các giấy phép khai thác quá trình hoạt động để xảy ra vi phạm các quy định... Với những chỉ đạo, định hướng đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã đẩy mạnh việc đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, chuyên sâu tạo ra các sản phẩm từ đá, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản.
Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các huyện tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường khu vực Tây Đáy; tạm dừng cấp vật liệu nổ với các doanh nghiệp không thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ở các địa phương đã thành lập tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong khu vực Tây Đáy, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Các ngành và lực lượng chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Về phía các doanh nghiệp, đã có sự quan tâm đầu tư hệ thống trang thiết bị, phần mềm tiếp nhận dữ liệu theo dõi, giám sát, cảnh báo ô nhiễm với hệ thống quan trắc tự động đối với khí thải, nước thải trên địa bàn tỉnh.
Là đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bình quân mỗi năm Công ty cổ phần Khoáng sản Nam Hà được giao khai thác khoảng 400 nghìn m3 đá. Để đầu tư hiệu quả, công ty đã xây dựng các dây chuyền khai thác chế biến đá các loại, tạo ra các sản phẩm đá hộc, đá 4x6, đá 1x2, đá mạt và đá bóc vỉa. Theo tính toán của đơn vị, giá thành sản phẩm khi chế biến sâu, cung ứng ra thị trường cao gấp 5-6 lần so với sản phẩm đá thông thường. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp này đã cung ứng tới chân công trường ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước... Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nam Hà cho biết: Những năm qua, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khai thác khoáng sản và sự chỉ đạo của tỉnh, đơn vị đã chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, thực hiện các thủ tục khai thác theo đúng quy định, góp phần nâng cao giá trị của tài nguyên khoáng sản. Theo đó, sản phẩm khai thác từ vỉa núi trước đây chỉ dùng để phục vụ san lấp mặt bằng thì hiện nay đã được chế biến, nghiền nhỏ thành bây cung cấp cho các nhà thầu chuyên làm đường, giá cao gấp 3-4 lần. Các sản phẩm khác từ đá cũng được khai thác, chế biến sâu, vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao giá trị khoáng sản.
Cũng như Công ty cổ phần Khoáng sản Nam Hà, hiện nay toàn tỉnh còn 70 mỏ đá đang được cấp phép, với sản lượng cho phép khai thác một năm khoảng 23 triệu m3. Sau khi được cấp phép lâu dài các doanh nghiệp đã đầu tư nâng cấp dây chuyền máy móc sản xuất, chuyển đổi chế biến sâu các loại vật liệu xây dựng, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Theo quy định, các doanh nghiệp khai thác đá theo dự án phải bảo đảm các yêu cầu có thiết kế mỏ, có đường lên núi, trữ lượng đủ khai thác theo thời gian đăng ký; có quy trình, thiết bị dây chuyền khai thác chế biến khoáng sản theo đúng quy định; không vi phạm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước... Sau khi được cấp quyền khai thác khoáng sản theo dự án lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã làm đúng theo quy định, góp phần bảo đảm an toàn cho chính người lao động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều hạn chế: một số doanh nghiệp có thời điểm chưa tuân thủ đầy đủ nội dung giấy phép khai thác được cấp; việc vi phạm các quy định của pháp luật còn diễn ra; một số khu vực khai thác khoáng sản còn gây tác động tới cảnh quan, môi trường, làm hỏng đường giao thông, gây bức xúc trong nhân dân; hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép đã được kiểm soát nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn...
Vì vậy, các cấp, ngành tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản; tập trung triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giúp chủ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản...