Tăng cường các giải pháp và phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh với các loại tội phạm
Cử tri tỉnh Đồng Tháp tiếp tục có ý kiến kiến nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm giết người; cướp giật; buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy; lừa đảo, cho vay qua mạng...
Về kiến nghị này, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là các tội phạm liên quan đến sở hữu tài sản như: trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm có tổ chức; tội phạm trong thanh, thiếu niên; tội phạm do nguyên nhân xã hội; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về ma túy...
Để chủ động nhận diện, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, nhất là tội phạm giết người, các tội phạm liên quan đến sở hữu tài sản, “tín dụng đen”, ma túy, thời gian tới, ngoài các giải pháp của Bộ Công an, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương. Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 138 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 13 ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; các Chương trình, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, mua bán người. Qua đó, huy động, phối hợp lực lượng chức năng, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như: Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Tư pháp... nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong Nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng, trên các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của các loại tội phạm để tổ chức, cá nhân biết cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh kịp thời tố giác tội phạm.
Đồng thời phối hợp các ngành nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, quản lý cư trú; quản lý an ninh mạng, hạn chế tác động tiêu cực đến thanh thiếu niên; tăng cường tuần tra nhân dân, phát hiện, giải quyết kịp thời mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật.
Song song đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030”, nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực thông tin thuê bao di động loại bỏ “SIM rác”, xác thực tài khoản ngân hàng; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) trong các giao dịch điện tử, góp phần phòng ngừa tội phạm.
Bên cạnh đó, phối hợp các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung; nghiên cứu xây dựng pháp luật tư pháp người chưa thành niên; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự đã ký kết giữa Bộ Công an với các ban, bộ, ngành, địa phương...