Tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng và vật nuôi
Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 624/UBND-NLN ngày 6/2/2025 về việc chủ động, tăng cường các biện pháp phòng chống, ứng phó với rét đậm, rét hại và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 7 - 8/2/2025 không khí lạnh tăng cường mạnh, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11 - 14oC, một số nơi vùng núi cao có thể xuống dưới 2oC tiếp tục gây rét đậm, rét hại kéo dài.
Để chủ động, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với rét đậm, rét hại cho đàn vật nuôi, cây trồng, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông - lâm nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo về diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng và kịp thời thông báo cho chính quyền cơ sở, người dân chủ động các biện pháp để phòng, tránh rét; tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Phương án phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông - Xuân năm 2024 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 27/11/2024), Văn bản số 7331/UBND-NLN ngày 18/12/2024; số 134/UBND-NLN ngày 09/1/2025; số 527/UBND-NLN ngày 24/1/2025 và các công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường, chủ động ứng phó với không khí tăng cường, công tác phòng chống rét đậm, rét hại trên địa bàn và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; bảo vệ sản xuất, cây trồng...
Đối với vật nuôi: Tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin, phòng chống dịch bệnh động vật. Rà soát, thống kê nắm rõ tổng đàn gia súc hiện có, nguồn thức ăn và công tác phòng tránh rét; khi có thiệt hại do rét đậm, rét hại xảy ra, tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào 15h hằng ngày để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi gia cố chuồng trại, chủ động dự trữ nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để vật nuôi bị đói, khát; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống < 12oC…); thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời và báo ngay cho cơ quan thú y tại cơ sở.
Đối với cây trồng: Chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng trên các diện tích đã trồng, cấy; tuyệt đối không gieo hạt vào những ngày nhiệt độ dưới 13oC. Chủ động phương án gieo trồng, chuẩn bị nguồn giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ, tăng vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật... đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chủ động thành lập, tổ chức các đoàn kiểm tra tại cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại để bảo vệ sản xuất nông - lâm nghiệp…
Các sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi của đơn vị mình chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp ứng phó với rét và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Chi tiết Văn bản số 624/UBND-NLN ngày 6/2/2025 về việc chủ động, tăng cường các biện pháp phòng chống, ứng phó với rét đậm, rét hại và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xem .