Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên, do quy mô chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (trên 80% hộ chăn nuôi) đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi (dại, lở mồm long móng…) đã gây thiệt hại không nhỏ về số lượng đàn, sản lượng khai thác và nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thuận lợi cho người dân phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo chuỗi và liên kết chăn nuôi. Hiện, toàn tỉnh có 292 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô chăn nuôi trang trại; 10 cơ sở chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao (trong đó có 1 cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 500 con nái; 7 cơ sở chăn nuôi lợn thịt theo quy mô chăn nuôi từ 300 đến 2.000 con; 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm thịt, quy mô chăn nuôi thường xuyên từ 10.000 đến 20.000 con); có 2 chuỗi liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các cơ sở chăn nuôi trang trại, liên kết chăn nuôi có trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, kiểm soát và hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Hiện nay, việc tiêm phòng các loại vắc-xin được xác định là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn vật nuôi. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo và giao chỉ tiêu tiêm phòng cho các huyện, thành phố, thị xã. Trên cơ sở đó, UBND các địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư kinh phí tiêm vắc-xin phòng một số bệnh (ngoài hỗ trợ của Nhà nước) để phòng chống các dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.

Bảo Thắng là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra trên đàn vật nuôi, UBND huyện Bảo Thắng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng, chống dịch. Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bảo Thắng cho biết: Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh để các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng chống dịch; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, yêu cầu hộ dân kê khai chăn nuôi theo quy định.

Tại huyện Văn Bàn, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cũng được triển khai tích cực với các biện pháp như tiêm phòng vắc-xin cho động vật và phun tiêu độc, khử trùng môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật… Thị trấn Khánh Yên - nơi xảy ra bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc hồi tháng 2 với 44 con lợn mắc bệnh. Ngay sau khi phát hiện, toàn bộ số lợn mắc bệnh lở mồm long móng được khoanh vùng cách ly để chữa trị; chuồng trại được rải vôi, phun tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tác hại của bệnh lở mồm long móng, các biện pháp phòng dịch bệnh, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Huyện Văn Bàn cũng tiến hành tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng trên vật nuôi và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trong phạm vi toàn huyện.

Hiện, dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và không phát sinh thêm. Tuy vậy, trước diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 31/CĐ-TTg, ngày 4/4/2025, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân.
