Tăng cường biện pháp, chế tài đối với công trình vi phạm
Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, có đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tăng cường biện pháp, chế tài đối với công trình vi phạm các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là trong việc thực hiện các quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình.
“Phòng cháy hơn chữa cháy”
Quan tâm đến Điều 10 về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nêu rõ, thời gian qua, ở một số thành phố lớn đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà chung cư cao tầng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực về nhận thức của người dân đối với loại hình nhà ở này.
Theo đại biểu Tô Ái Vang, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt đầu từ việc vi phạm các quy định trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.
Thực tế, các quy định phòng cháy, chữa cháy bắt buộc cần tuân thủ khi thiết kế các công trình cao tầng tại Việt Nam gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình... Tuy nhiên, “hiện nay các quy định này chưa được các chủ đầu tư tuân thủ một cách đầy đủ, trong khi công tác an toàn cháy phải lấy yêu cầu phòng cháy là cơ bản trọng tâm với phương châm phòng cháy hơn chữa cháy”, đại biểu nêu vấn đề. Về quy định thiết kế tầng hầm trong thực tế là không có hoặc có hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống hút khói, lối thoát nạn nhưng không hoàn chỉnh theo một số yêu cầu bắt buộc đã được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện nay, một số công trình tại các lối ra vào tầng hầm dùng hệ thống cửa xếp, cửa cuốn nên khi xảy ra cháy hệ thống điện bị cắt sẽ gây khó khăn trong việc thoát nạn hoặc chữa cháy. Mặt khác, tầng hầm thường bố trí thêm hệ thống kỹ thuật như các tủ điện, trạm bơm, phòng biến áp, trong khi chưa có quy định nào về yêu cầu này trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Về lối thoát nạn dẫn ra các cầu thang bộ phải bảo đảm không bị ảnh hưởng của lửa, khói, nhiệt độ cao do đám cháy gây ra và phải được thông gió, chiếu sáng, có chỉ dẫn lối lên mặt đất dẫn trực tiếp ra bên ngoài. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau, nhiều dự án chung cư cao tầng đã và đang được xây dựng trong thời gian qua lại không tuân thủ theo nguyên tắc này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc bảo đảm lối thoát hiểm cho người khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Bên cạnh đó, nhiều người ở chung cư biến lối thoát hiểm tầng một thành nơi bán hàng, cửa vào, buồng thang luôn bị chặn. Khi xảy ra cháy, với kiến trúc của các tòa nhà cao tầng, khói sẽ nhanh chóng len lỏi qua hệ thống hành lang cầu thang, gia tăng khả năng nguy cơ cho con người.
Cũng theo đại biểu Tô Ái Vang, các ban công nhô ra ở một số chung cư bị xây kín, bịt kín cũng làm tăng nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Một số công trình treo biển quảng cáo trước mặt của tòa nhà cũng bịt kín ban công và các lối thoát nạn…
Từ thực trạng trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị hiện nay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn cứu người trong nhà cao tầng.
Cụ thể, cần tăng cường trang bị hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước phát minh thêm nhiều tính năng của robot điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm. Đặc biệt, "Chính phủ tăng cường biện pháp, chế tài đối với công trình vi phạm các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt là trong việc thực hiện các quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình", đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh.
Tại khoản 5, Điều 10, dự thảo Luật quy định “Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn phải có đánh giá bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”. ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết, khoản mới này quy định trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp Việt Nam đã có tiêu chuẩn tương tự để có thể đánh giá tính tương thích, mà chưa quy định trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp Việt Nam chưa có tiêu chuẩn tương ứng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp nước ta chưa có quy chuẩn tương ứng.
Có lộ trình thực hiện quy định khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ được ngăn cách với khu vực để ở
Dự thảo Luật quy định: Cơ sở là nhà, công trình, địa điểm được sử dụng để ở, sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc hoặc mục đích khác thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo danh mục do Chính phủ quy định. Nhưng thực tế, theo ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), có những cơ sở không được hoặc chưa được sử dụng để ở, sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc hoặc sử dụng vào mục đích khác. Ví dụ như: các công trình tòa nhà xuống cấp, bỏ hoang bị cháy do tác động bất khả kháng (sấm sét hoặc trong một số trường hợp khác), nếu không chữa cháy sẽ bị cháy lan ra các cơ sở khác, rất nguy hiểm và gây thiệt hại lớn. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, dự thảo Luật cần xem xét các trường hợp nêu trên để đưa vào đối tượng điều chỉnh, nhằm bảo đảm điều chỉnh bao quát, toàn diện hơn.
Thống nhất cao với quy định khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở, đại biểu Dương Khắc Mai nêu rõ, thời gian qua, các vụ cháy vụ, nổ đều xảy ra ở cả khu vực ở và khu vực kinh doanh do không có sự ngăn cách, phía trước là kinh doanh, phía sau để ở, khi xảy ra cháy không có lối chạy để thoát hiểm.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định lộ trình áp dụng quy định này để bảo đảm phù hợp với thực tiễn khi triển khai. Vì hiện nay, quy định này còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của các hộ kinh doanh. Trường hợp chủ hộ kinh doanh không có nhà khác để ở, để lưu trú và diện tích quá nhỏ, không thể ngăn cách giữa các khu vực kinh doanh với khu vực để ở, thì cần có phương án nào để tháo gỡ?
Đại biểu cho rằng, ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng hơn, bảo đảm Luật sau khi ban hành sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm an toàn, tính mạng cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp.