Tăng ca mắc bệnh sởi ở Khánh Hòa, bác sĩ khuyến cáo điều các gia đình cần nhớ

Số ca mắc bệnh sởi ở Khánh Hòa tăng mạnh, không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng mắc bệnh sởi. Vậy nên, bác sĩ khuyến cáo các gia đình không chủ quan.

Tăng mạnh ca mắc bệnh sởi dịp cuối năm

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, bệnh sởi ở Khánh Hòa gia tăng mạnh vào mấy tháng gần đây. Từ đầu năm 2024 đến nay có hơn 600 trường hợp mắc bệnh sởi ở địa phương, không có ca tử vong.

Thông thường, các trường hợp mắc bệnh sởi rơi vào lứa tuổi 1 tuổi đến dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, gần đây, nhiều người lớn ở Khánh Hòa cũng mắc bệnh sởi. Để ngăn chặn sự gia tăng người mắc bệnh sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa giám sát chặt chẽ tình hình bệnh ở địa phương. Đồng thời, phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng, cơ sở khám chữa bệnh để triển khai các biện pháp xử lý, điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Khi có dấu hiệu bệnh sởi như ho, phát ban cần đưa đến cơ sở y tế.

Khi có dấu hiệu bệnh sởi như ho, phát ban cần đưa đến cơ sở y tế.

"Hầu hết ca mắc bệnh sởi ở Khánh Hòa đến cơ sở y tế điều trị khoảng 1 tuần là được xuất viện. Tại các bệnh viện, bác sĩ đều chăm sóc, điều trị đúng phác đồ cho bệnh nhân", đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa thông tin.

Vừa được điều trị khỏi bệnh sởi, bà Nguyễn Thị H. (hơn 50 tuổi, trú Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ, ban đầu thấy trong người mệt, ho, sốt cứ nghĩ cảm cúm thông thường nhưng khi nổi mẩn đỏ trên mặt, cổ, lưng...đến bệnh viện khám mới biết mình mắc bệnh sởi. Sau đó, được điều trị 7 ngày thì khỏi bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo điều các gia đình cần nhớ

Để ngăn chặn không cho bệnh sởi lây lan mạnh, bác sĩ Tôn Thất Toàn-Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa khuyến cáo.

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tiêm phòng và nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng bệnh sởi. Với tiêm phòng, hiện nay, Khánh Hòa đã phân bố vaccine phòng bệnh sởi đến các xã, phường trong tỉnh. Ngành y tế địa phương quán triệt đến tất cả trường học cấp mầm non, tiểu học ở Khánh Hòa khẩn trương phối hợp với Trạm Y tế các xã, phường thống kê số trẻ từ 6 tuổi trở xuống chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng bệnh sởi để vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm ngay.

Tiêm phòng hiện nay là giải pháp quan trọng nhất phòng bệnh sởi. Ảnh minh họa.

Tiêm phòng hiện nay là giải pháp quan trọng nhất phòng bệnh sởi. Ảnh minh họa.

"Bệnh sởi ủ bệnh 8 đến 11 ngày, triệu chứng đặc trưng nhất là sốt, phát ban. Các gia đình cần ghi nhớ, ngay khi phát hiện con mình, nhất là trẻ dưới 6 tuổi có các triệu chứng sốt, ho, phát ban trên tai, mặt rồi lan nhanh xuống tay, chân, lưng, bụng thì đưa đến bệnh viện ngay để tránh các biến chứng đáng tiếc. Người lớn có các triệu chứng này cũng đến bệnh viện khám. Thực tế, một số người lớn mắc bệnh sởi, chủ quan không đi khám sớm làm lây bệnh cho trẻ nhỏ trong gia đình.

Trẻ em dưới 6 tuổi không may mắc bệnh sởi, dù đã đã điều trị khỏi thì nguy cơ suy dinh dưỡng vẫn rất cao. Vậy nên, các gia đình cần tăng cường bồi bổ dinh dưỡng cho con em mình trong quá trình các cháu điều trị và sau điều trị bệnh sởi. Đặc biệt, các cháu nhỏ có sẵn trong người một số bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, khi bị bệnh sởi cần chăm sóc chu đáo, cần thiết tham vấn ý kiến bác sĩ và làm đúng theo hướng dẫn. Với trẻ đang bú mẹ mắc bệnh sởi, cần tăng cường bồi bổ cho người mẹ để có nguồn sữa tốt nhất cho trẻ bú", bác sĩ Tôn Thất Toàn khuyến cáo.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-ca-mac-benh-soi-o-khanh-hoa-bac-si-khuyen-cao-dieu-cac-gia-dinh-can-nho-16925010513125482.htm
Zalo