Tăng 4 lần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách Trung ương cho phòng, chống ma túy

Chiều 8-11, thảo luận tại phiên họp tổ đại biểu Quốc hội (ĐB) về chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy, các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành, thực hiện chương trình, song đề nghị rà soát lại các chỉ tiêu để đảm bảo tính khả thi.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu chiều 8-11

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu chiều 8-11

ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhận định, tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến rất phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, táo tợn hơn, nhất là ở các địa bàn trọng yếu như các tuyến đường biên và một số vùng xa, hẻo lánh.

“Mặc dù trong giai đoạn trước, chương trình mục tiêu phòng chống ma túy đã đạt được kết quả nhất định nhưng còn rất nhiều mục tiêu chưa đạt được, phải tiếp tục làm trong giai đoạn mới", ĐB Thu Nguyệt nhận định và đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn các mục tiêu chưa đạt, từ đó đề ra giải pháp hữu hiệu.

 Đại biểu Nguyễn Thu Nguyệt phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thu Nguyệt phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Lưu ý đến nguồn lực phân bổ cho chương trình, ĐB Thu Nguyệt chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng ngân sách Trung ương - địa phương cho mục tiêu này đã có sự đảo ngược so với giai đoạn trước (ngân sách Trung ương chiếm gần 80%, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước; trong khi địa phương chỉ chiếm hơn 20%) cần lý giải rõ nguyên nhân. ĐB cũng băn khoăn về cơ chế hỗ trợ nguồn lực cho địa phương dựa trên cơ sở nào, đề xuất theo kênh nào nhằm sự chủ động cho địa phương?

Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc nhận định, chương trình đặt ra 3 mục tiêu chính: giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra, cùng với 20 chỉ tiêu cụ thể. Trong các chỉ tiêu này, có những chỉ tiêu quá cao và đòi hỏi nguồn lực rất mạnh mẽ, ví dụ như đảm bảo 100% các điểm phức tạp về ma túy được triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% hàng năm; hỗ trợ y tế và tâm lý cho hơn 90% người nghiện..., đặt ra câu hỏi về tính khả thi khi đang phải đối diện với thách thức về ngân sách và nguồn lực.

Đặc biệt quan tâm đến dự án nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy tại cơ sở (dự kiến cần trên 4.728 tỷ đồng để phân bổ cho các xã có người nghiện ma túy), ĐB Phúc cho rằng đây là khoản chi cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. “Cơ chế phân bổ cho các địa phương khó khăn, trọng điểm về ma túy cũng chưa rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương, gây khó khăn trong công tác triển khai”, ĐB Phúc nhận định.

 Đại biểu Nguyễn Văn Quân. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Văn Quân. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình với các ý kiến liên quan đến mục tiêu của chương trình phòng chống ma túy, ĐB Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang) cho rằng, trong khi có những chỉ tiêu quá cao, lại cũng có những chỉ tiêu quá thấp không thể hiện được tính quyết liệt trong công tác phòng, chống ma túy.

Chẳng hạn, chương trình đề ra chỉ tiêu khống chế, giảm nguồn cung ma túy là 3% (trong khi mục tiêu của giai đoạn trước là giảm 5%; thực hiện đạt 2,48%). Tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên làm công tác cai nghiện cũng còn thấp…

Theo ĐB Quân, nội dung và tính chất đầu tư của chương trình có những điểm khác biệt so với các chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành, do đó cần có các cơ chế quản lý và giám sát đặc thù hơn.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-4-lan-ty-le-dau-tu-tu-ngan-sach-trung-uong-cho-phong-chong-ma-tuy-post767431.html
Zalo