TAND 3 cấp: Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ thêm việc

Cùng với Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, TAND các cấp khác cũng được tăng thêm thẩm quyền do TAND cấp cao, TAND cấp huyện kết thúc hoạt động.

Chiều 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Các cấp tòa đều tăng thẩm quyền

Tờ trình do Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tiến nêu: Trên cơ sở mô hình tổ chức TAND ba cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của TAND khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND Tối cao.

Theo đó, TAND khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

TAND cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh.

Đồng thời, bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

 Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: QH

Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: QH

“TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại”, tờ trình nêu.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị.

“TAND Tối cao thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật về tố tụng thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân”, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tiến trình bày và đề nghị dự luật này được Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp, có hiệu lực từ 1-7.

Tán thành các đề xuất của TAND Tối cao

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên cho hay: cơ quan thẩm tra tán thành sự cần thiết xây dựng dự luật này và đề xuất Quốc hội ban hành theo thủ tục rút gọn như đề xuất của TAND Tối cao.

Cơ quan thẩm tra nhận thấy việc tăng thẩm quyền của TAND khu vực sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết vụ việc phá sản là phù hợp với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

“TAND khu vực có quy mô, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ, Thẩm phán lớn hơn nhiều so với TAND cấp huyện hiện nay. Với việc sáp nhập tỉnh thì một số cán bộ, Thẩm phán có kinh nghiệm tại TAND cấp tỉnh sẽ được tăng cường cho TAND khu vực. Những năm qua, các Tòa án chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, Thẩm phán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác Tòa án nhân dân. Vì vậy, TAND khu vực có đủ điều kiện để thực hiện tốt thẩm quyền tố tụng được giao”, ông Liên trình bày.

Các đề xuất của TAND Tối cao về thẩm quyền của TAND cấp tỉnh cũng được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành, đồng tình và cho rằng các cấp tòa này sẽ đầy đủ nhân lực, kinh nghiệm để bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử theo quy định của Hiến pháp.

Do TAND Cấp cao kết thúc hoạt động, nên việc giao thẩm quyền của TAND Cấp cao cho Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là phù hợp chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, ông Liên trình bày và đề nghị TAND Tối cao tiếp tục có biện pháp nâng các giải pháp để tránh việc lạm dụng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để gửi đơn thư khiếu nại tràn lan, không có điểm dừng và tránh dồn việc giám đốc thẩm lên TAND Tối cao.

Tòa chuyên sâu đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành dự thảo luật quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa Kinh tế thuộc TAND khu vực; đồng thời quy định thẩm quyền của Tòa Sở hữu trí tuệ và Tòa Phá sản tại một số TAND khu vực để các Tòa chuyên trách này có điều kiện giải quyết chuyên sâu các vụ việc theo từng lĩnh vực; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế về tư pháp.

Về thẩm quyền xét xử của TAND khu vực đối với quyết định hành chính/hành vi hành chính do cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống ban hành (trừ cơ quan nhà nước cấp xã), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy: Quy định của dự thảo Luật tạo điều kiện thuận lợi cho người khởi kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng; thuận lợi cho Tòa án, Viện Kiểm sát trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; đồng thời khắc phục được tình trạng dồn vụ việc tại một đơn vị TAND khu vực nơi cơ quan nhà nước cấp tỉnh (người bị kiện) đặt trụ sở.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tand-3-cap-hoi-dong-tham-phan-tand-toi-cao-se-them-viec-post846577.html
Zalo