Tản văn: Trâu và Tre

Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Từng cơn gió thổi nhẹ qua, làm ngả nghiêng những cây lúa lười nhác, đang thiu thiu ngủ. Tuy vậy, gió lại chẳng đem đến hơi mát mà càng làm tăng thêm vẻ oi ả, yên tĩnh của buổi trưa.

Ngay cạnh bờ sông, lũy Tre đang nhởn nhơ ca hát, soi bóng mình xuống làn nước trong vắt, phản chiếu cả bầu trời. Mặc cho cái nắng nóng của trưa hè, lũy Tre vẫn vui vẻ cất lên những tiếng hát rì rào, phá tan buổi trưa yên tĩnh.

Một bác Trâu già đang đủng đỉnh tiến đến chỗ lũy Tre, điệu bộ nom nhàn nhã, thỏa mãn như vừa chén đẫy một mớ cỏ đầy. Khi đến nơi, Trâu ung dung nằm xuống nghỉ ngơi dưới bóng mát của lũy Tre và hướng mắt nhìn về phía chân trời xa. Lũy Tre mải mê ca hát nên chẳng phát hiện ra bác Trâu đã nằm dưới bóng của mình từ lúc nào. Vừa ve vẩy chiếc đuôi, bác Trâu vừa cất tiếng chào:

- Xin chào anh Tre, trông anh có vẻ khá nhiều năng lượng trong cái không khí nắng nóng này quá nhỉ!

Lũy Tre giật mình cúi xuống, nhìn theo nơi vừa phát ra âm thanh. Đang quen mắt ngắm nhìn nắng, phải mất một lúc lũy Tre mới kịp định hình và nhìn ra bác Trâu. Lũy Tre vồn vã trả lời:

- Cảm ơn bác đã khen, chút nắng nóng này đã nhằm nhò gì chứ. Loài tre chúng tôi đã luôn nổi tiếng bởi sự kiên cường và bất khuất từ xa xưa cơ đấy. Bác biết không, từ rất lâu về trước, loài tre chúng tôi đã cùng vị anh hùng làng Gióng xông pha đánh bại giặc Ân xâm lược. Khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đem quân xâm chiếm ở thế kỷ XX, chúng tôi lại cùng quân dân Việt Nam kiên cường đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Chúng tôi tự hào được hi sinh thân mình để tạo ra những loại vũ khí giúp Việt Nam chiến đấu và chiến thắng.

Thấy bác Trâu vẫn thong thả, lũy Tre tiếp tục:

- Ngay cả bây giờ, trong buổi trưa này cũng chỉ có chúng tôi mới đủ bản lĩnh để phơi mình trước cái nắng oi ả.

- Chà! Sự kiên cường và bất khuất của các anh thật đáng khâm phục. Bác Trâu chầm chậm lên tiếng.

- Tất nhiên rồi! Lũy Tre cất lời đầy kiêu hãnh.

Nhưng chưa được bao lâu, lũy Tre bỗng trở nên buồn bã:

- Thậm chí đến tận bây giờ, sự kiên cường ấy vẫn ngấm trong dòng máu của loài tre chúng tôi nhưng tiếc là ít có cơ hội thể hiện. Bác biết không, rất nhiều thành lũy của chúng tôi đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho các khu công nghiệp, cho sân chơi, sân tập… Thay thế chúng tôi là những khối bê tông khô cứng, im lìm. Cứ đà này, một ngày nào đó thế hệ mai sau chỉ biết đến chúng tôi qua sách vở.

Nghe vậy, bác Trâu chớp chớp mắt có vẻ xúc động:

- Quả thực thì đó là điều không ai mong muốn. Các anh biết không, loài trâu chúng tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi đã gắn liền với người nông dân Việt Nam từ rất lâu đời. Đã có thời kì, loài trâu chúng tôi được coi là “đầu cơ nghiệp” kia đấy. Chúng tôi mang đức tính kiên trì, chịu thương chịu khó, tựa như những người nông dân Việt Nam quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Dù khó khăn vất vả đến nhường nào thì loài trâu vẫn chăm chỉ, cần mẫn làm việc. Chúng tôi luôn đồng hành cùng người nông dân trong công việc cày cấy, kéo chở… Vì vậy mà chúng tôi luôn tự hào là người bạn thân thiết của nhà nông.

Bác Trâu kể, giọng không kém phần hãnh diện. Bác ngừng lại để lấy hơi rồi tiếp tục:

- Không chỉ vậy, khi nhắc đến chúng tôi là gắn liền với hình ảnh làng quê, đồng lúa, kí ức tuổi thơ. Loài trâu chúng tôi là biểu tượng cho văn hóa Việt Nam. Chúng tôi được con người đưa vào thơ ca, nhạc họa, như một cách để ca ngợi những giá trị tinh thần của con người, đất nước Việt Nam.

Sau khi kết thúc bài diễn thuyết hùng hồn về những giá trị của loài trâu, bác Trâu hỏi lũy Tre, giọng pha chút kiêu ngạo:

- Anh đã thấy tầm quan trọng của loài trâu chúng tôi với con người chưa?

Lũy Tre mỉm cười, giọng ra điều bình thản: Bác Trâu à, không chỉ có loài trâu mới luôn gắn bó với con người đâu! Loài tre chúng tôi cũng rất gắn kết, thủy chung với con người. Này nhé, tre gắn liền với con người từ thuở lọt lòng cho đến lúc con người về với đất mẹ. Chẳng phải đứa trẻ khi sinh ra từng nằm trong chiếc nôi tre nghe lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. Và khi con người ra đi, cũng chỉ có loài tre thủy chung ở lại trong lòng đất cùng người quá cố.

Lũy Tre tiếp tục nói trong tự hào và kiêu hãnh: Loài tre sống thành lũy, đùm bọc và tương trợ lẫn nhau, là đại diện cao đẹp cho sức mạnh đoàn kết của người dân đất Việt. Không chỉ loài trâu các bác, chúng tôi cũng được con người ca ngợi rất nhiều trong thơ ca đấy chứ. Hẳn bác đã nghe những vần thơ của tác giả Nguyễn Duy khi viết về chúng tôi: “Tre xanh…/Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”.

Nhận thấy lũy Tre có vẻ quá khích và muốn hơn thua, bác Trâu cất giọng ôn hòa:

- Tôi không có ý nâng cao loài trâu chúng tôi và hạ thấp loài tre các anh đâu. Cũng như các anh, loài trâu chúng tôi có chung nỗi lo bị rơi vào quên lãng. Dân số của loài chúng tôi đang giảm rõ rệt. Chúng tôi nhớ luống cày, nhớ những cánh đồng và nhớ giọt mồ hôi của người nông dân. Nhưng tôi tin, khi chúng ta đã gắn bó với đất nước con người Việt Nam từ ngàn đời nay, chúng ta đã đại diện cho những đức tính cao quý và đẹp đẽ của người Việt, chúng ta sẽ trường tồn mãi mãi như cách con người Việt Nam bảo tồn giá trị văn hóa của mình.

- Quả đúng như bác nói. Lũy Tre vui vẻ đáp lời, lòng đã thôi băn khoăn, lo lắng. Dù trải qua ngàn đời sau, chúng ta vẫn tự hào là biểu tượng của đất nước Việt Nam và ngược lại người Việt Nam luôn tự hào về biểu tượng Trâu và Tre chúng ta.

Dưới cái nắng oi ả nhưng rất yên bình, lũy Tre và bác Trâu cùng đưa mắt ngắm nhìn khung cảnh đồng lúa, dòng sông, bờ đê, bãi cỏ… những khung cảnh rất đỗi quen thuộc, với một niềm tự hào và biết ơn vì mình đã sinh ra trên mảnh đất chữ S này. “Có thể một ngày nào đó khung cảnh thanh bình, thôn dã đó không còn nhiều, thậm chí chỉ còn trong sách vở nhưng chắc chắn nó còn sống mãi trong lòng người dân đất Việt”. Nghĩ vậy cả bác Trâu và lũy Tre đều mỉm cười thong dong thả hồn theo nắng và gió...

Nguyễn Thị Hà Vân (Lớp 7A2 Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo, TP Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-trau-va-tre-post707035.html
Zalo