Tản văn: Những đóa hoa rừng

Các thầy, cô giáo không ngại đường dốc cheo leo, suối cao vực thẳm, mang con chữ về thắp sáng buôn làng...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Khi chúng ta ngồi với bạn bè đồng nghiệp, với những học trò thân thương trong Ngày Nhà giáo Việt Nam hoặc vui đón Giáng sinh, hát ca sinh hoạt vui vẻ trong căn phòng hội đồng hay trên sân trường khang trang sạch đẹp, chúng ta không khỏi xót xa khi nghĩ về Trà Leng (Trà My - Quảng Nam), Phước Lộc (Phước Sơn - Quảng Nam); về Làng Nủ (Bảo Yên - Lào Cai) hay ở các vùng miền của các tỉnh ở miền Tây Bắc và miền Trung bão lũ.

Ở những nơi ấy, thầy, cô giáo và các em học sinh đã và đang đối mặt với biết bao gian khổ khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cả tinh thần lẫn vật chất nơi bản làng xa xôi cách trở…

Tiếng gầm của bão giông

Tiếng gầm của đại ngàn

Dòng suối lũ vẫn cuồn cuộn chảy.

Nhưng các thầy, cô giáo không ngại đường dốc cheo leo, suối cao vực thẳm, mang con chữ về thắp sáng buôn làng. Mùa lũ về, có những cô giáo bám thân cây vượt qua dòng suối:

Em vượt qua bằng sức mạnh trái tim

Nơi có bao đứa trẻ đang gõ vào nhịp đập

Nơi có những đôi mắt trẻ thơ tiếp thêm sức mạnh

Qua muôn nghìn hiểm nguy phía trước

Những con chữ theo em trên dòng sông lũ

Bám thân cây vượt suối băng rừng

Cái chữ theo em về với buôn làng

Cái chữ về đại ngàn mùa nước lũ

Cho ngày mai những đóa hoa rừng nở rộ giữa mùa Xuân.

Những ngày mưa lũ đi qua, đồi hoang sụp đổ, nhà cửa tan hoang.

Những con suối mờ sương khói rơi khi hoàng hôn buông xuống bên những nhà sàn đầy ắp tiếng cười nay còn gì đâu!

Bùn đẫm dưới chân. Sân trường, lớp học xác xơ. Có những em không còn trở lại.

Sách vở theo dòng nước trôi xa, trôi đi bao mơ ước của những đứa học trò:

Tập vở nhem nhuốc bùn đen sau lũ cuốn

Con trẻ nhặt bên bờ tre tiếng nấc nghẹn ngào

Cuộn xé lòng cứa rách câu thơ…

Từ nhà đến nơi học chúng phải đi bộ, lội suối vượt đèo qua bao con dốc, bao cánh rừng... để tìm cái chữ.

Thầy giáo thưởng quà bằng con cá khô, gói mì chống đói, động viên các em học tập.

Mùa lũ đến, các thầy kết bè chuối vượt sông để mang gạo về nấu cho học sinh ăn chống đói vì những con đường vào khu nội trú đã đổ sập chặn lối vào.

Ngày 20/11 các em học sinh vùng cao hái những bó hoa rừng bên suối đem tặng thầy cô:

Một bó hoa rừng

Còn thơm mùi hoa nắng

Bên suối ven rừng

Em hái vội thăm cô

Em không có được đóa hoa hồng thắm đỏ

Em không có được bó hoa ly ngào ngạt sắc hương

Em không có gì ngoài những khúc mía tím nâu

Em chỉ biết ngày nhớ về thầy cô giáo

Và trái tim em tràn ngập niềm tin yêu kính cô thầy…

Ôi! Còn biết bao gian khổ khó khăn thiếu thốn nơi vùng cao. Những thầy, cô giáo nơi ấy đã hy sinh quá nhiều cho sự nghiệp trồng người.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Chúng ta, những thầy, cô giáo vùng xuôi có điều kiện hơn, chúng ta càng yêu mến và trân quý hơn những bạn bè đồng nghiệp - Những thầy, cô giáo vùng cao!

Cảm thông và sẻ chia tình cảm.

Chúng ta còn may mắn hơn trong cuộc sống này.

Chúng ta nợ ân tình và sự hy sinh của các thầy, cô giáo vùng cao.

Mong một ngày mai nắng hồng sẽ về trên buôn làng, trên núi đồi đại ngàn trùng điệp.

Nơi ấy, những viên phấn trắng của các thầy, cô giáo mãi tỏa hương rừng và tiếng chim lại hót vang hướng về phía mặt trời hy vọng…

Tháng mười một về

Tiếng hát trên buôn làng vang xa đại ngàn trùng điệp

Ở nơi ấy

Bụi phấn rơi trên tóc thầy

Rơi trên đôi mắt của cô

Rơi trên lối đi gập ghềnh sỏi đá

Rơi trên con đường bùn lầy dẫn lối vào buôn

Rơi trên con suối hằng ngày cô trò đi lấy nước

Rơi trên những đêm hoang gió lạnh đông về

Và tất cả!

Để hôm nay

Những bông hoa dại thơm ngát hương rừng

Sưởi ấm trái tim…

Những giọt sương mãi còn đọng lại

Cho hôm nay

Và cho cả ngày mai

Vị ngọt của mía

Vị ngọt của rừng

Vị đắng của đời

Mãi trôi cùng năm tháng

Thấm vào một vùng cao xa xôi đầy gian nan cách trở

Ở nơi ấy

Những thầy cô lặng lẽ bên đời

Lặng lẽ ươm mầm trên từng trang giáo án

Và những giọt sương long lanh

Còn mãi rơi trên những bông hoa dại ven rừng…

Nguyễn Đức Bá (Nguyên giáo viên Trường THPT Tiểu La, Thanh Bình, Quảng Nam)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-nhung-doa-hoa-rung-post708886.html
Zalo