Tân Trụ xây dựng, củng cố chính quyền địa phương cấp cơ sở vững mạnh, gần dân
Việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã sẽ góp phần tinh gọn, giảm cấp trung gian; đồng thời, xây dựng và củng cố chính quyền địa phương cấp cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, liên quan đến công tác sắp xếp bộ máy, tổ chức lại ĐVHC cấp xã, huyện còn 3 ĐVHC cấp xã.

Gần 100% người dân huyện Tân Trụ được lấy ý kiến đều hài lòng với việc sắp xếp đơn vị hành chính (Trong ảnh: Cán bộ thị trấn Tân Trụ hướng dẫn, tổ chức lấy ý kiến người dân)
Theo đó, thành lập xã Vàm Cỏ trên cơ sở nhập các xã: Tân Phước Tây, Nhựt Ninh và Đức Tân, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại xã Tân Phước Tây. ĐVHC xã Vàm Cỏ có diện tích 40,73km2, quy mô dân số 25.457 người; định hướng phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển công nghiệp, nông nghiệp.
Hợp nhất xã Bình Trinh Đông, Bình Tịnh, Bình Lãng, thị trấn Tân Trụ thành xã Tân Trụ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thị trấn Tân Trụ. ĐVHC xã Tân Trụ có diện tích 30,84km2, quy mô dân số 27.268 người; định hướng phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển công nghiệp.
Thành lập xã Nhựt Tảo trên cơ sở nhập xã Quê Mỹ Thạnh, xã Lạc Tấn, xã Tân Bình thuộc huyện Tân Trụ và một phần xã Nhị Thành thuộc huyện Thủ Thừa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại xã Lạc Tấn. ĐVHC xã Nhựt Tảo có diện tích 34,92km2, quy mô dân số 30.577 người; định hướng phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển công nghiệp.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã nhằm đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, tạo sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tiềm năng phát triển của địa phương; tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Huyện chỉ đạo tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp, tạo sự đồng thuận cao.
Bà Nguyễn Thị Hằng (thị trấn Tân Trụ) cho biết: “Tôi được lấy ý kiến và hài lòng với việc sắp xếp này. Hy vọng việc sắp xếp ĐVHC cấp xã đạt hiệu quả cao nhất, góp phần ổn định và phát triển địa phương”.
Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy tiềm năng, nội lực, hiệu quả đầu tư KT-XH, chính quyền gần dân và phục vụ người dân tốt hơn. Từ đây, chỉ đạo từ cấp tỉnh sẽ thẳng xuống cấp xã, giúp rút ngắn quy trình, giảm chi phí, tăng hiệu quả phục vụ. Nguồn lực từng dàn trải cho cấp huyện sẽ được tái phân bổ hợp lý hơn, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu và nâng cao chất lượng cán bộ cấp xã, cấp tỉnh. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng thúc đẩy phân cấp, phân quyền rõ ràng, khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm.
Bí thư Huyện ủy Tân Trụ - Võ Trần Tuấn Thanh thông tin: Trong quá trình tổ chức thực hiện, huyện bảo đảm tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; trình tự, hồ sơ thủ tục đúng quy định của pháp luật. Việc xác định tên gọi của ĐVHC, lựa chọn vị trí đặt trụ sở, các chế độ, chính sách đặc thù và công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động,... khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã đã được các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, triển khai sâu, rộng, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, dự thảo đề án kết thúc hoạt động đảng bộ cấp huyện, đảng bộ cấp xã trực thuộc Huyện ủy; thành lập đảng bộ cấp xã mới trực thuộc Tỉnh ủy đã được huyện triển khai xây dựng và cơ bản thống nhất trước một bước. Huyện ủy tiếp tục giao Ban Tổ chức Huyện ủy tiếp thu, điều chỉnh, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy trình tại Hội nghị Huyện ủy để xem xét thông qua và hoàn chỉnh đề án gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy đúng thời gian quy định để thẩm định, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.
Song song đó, huyện tập trung chuẩn bị phương án nhân sự chủ chốt cấp xã sau khi thành lập xã mới; chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng liên quan bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
Thành công của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước mà còn cần sự đồng thuận của toàn xã hội. Việc ghi nhớ và tự hào về câu nói “Đất nước là quê hương” của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là lời nhắc nhở về mối liên hệ bền chặt giữa mỗi người dân với Tổ quốc mà còn là lời động viên, kêu gọi mỗi người hành động vì lợi ích chung của dân tộc.
Khi mỗi người dân đều ý thức rõ vai trò của mình, tích cực hưởng ứng và đóng góp bằng những hành động cụ thể, chắc chắn chính quyền địa phương sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, thực sự trở thành công cụ phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hiện đại, văn minh, văn hiến, anh hùng, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới./.