Tân Tiến: Người dân vươn lên từ nguồn vốn vay ưu đãi

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Tiến, huyện Tràng Định luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Từ nguồn vốn vay, các hộ dân trên địa bàn xã đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu .

Người dân thôn Áng Mò, xã Tân Tiến phát triển mô hình trồng quế từ nguồn vốn vay ưu đãi

Người dân thôn Áng Mò, xã Tân Tiến phát triển mô hình trồng quế từ nguồn vốn vay ưu đãi

Ông Hứa Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tân Tiến là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện, toàn xã có 623 hộ với 2.818 nhân khẩu, người dân chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp. Xác định nguồn vốn vay ưu đãi là một trong những yếu tố quan trọng để người dân phát triển sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các thôn nắm bắt số lượng gia đình có hoàn cảnh khó khăn và dự kiến số hộ thuộc đối tượng có nhu cầu vay vốn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch vốn với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Để giúp người dân phát huy hiệu quả vốn vay, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con để có kiến thức áp dụng vào sản xuất.

Chị Lưu Thị Thủy, thôn Áng Mò cho biết: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, không có thu nhập ổn định. Gia đình tôi có diện tích đồi rừng lớn nhưng lại thiếu vốn để đầu tư phát triển. Năm 2018, được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, gia đình tôi đã đầu tư trồng 2 ha cây quế. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên tôi đã có kiến thức sản xuất, nhờ đó, từ năm 2023 đến nay, gia đình tôi đã khai thác tỉa một số diện tích quế, kết hợp với kinh doanh dịch vụ đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đầu năm 2024, gia đình tôi tiếp tục làm hồ sơ vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng quế và mở rộng kinh doanh, hiện nay, gia đình tôi đã trồng được 8 ha cây quế.

Không chỉ gia đình chị Thủy, những năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ trên địa bàn xã có vốn phát kinh tế. Hiện nay, dư nợ 10 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã là 28,1 tỷ đồng, với 529 lượt hộ vay. Đây là 1 trong 3 xã có dư nợ cho vay cao nhất huyện. Theo đó, từ nguồn vốn vay, cấp ủy, chính quyền xã định hướng người dân vay vốn để đầu tư phát huy thế mạnh phát triển lâm nghiệp, hiện nay, trên 70% số hộ vay vốn để đầu tư trồng, chăm sóc rừng quế, tổng diện tích cây quế toàn xã là gần 4.000 ha.

Để quản lý hiệu quả nguồn vốn, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngân hàng thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của người dân. Theo đó, Chủ tịch UBND xã trực tiếp kiểm tra định kỳ theo tháng với một tổ chức hội bất kỳ và kiểm tra tại 1 – 2 tổ tiết kiệm và vay vốn, ngoài ra chỉ đạo các tổ chức hội nhận ủy thác kiểm tra 100% hộ vay sau khi giải ngân vốn 30 ngày.

Bà Hoàng Thị Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Hội hiện có 446 hội viên. Hiện nay, hội đang quản lý 2 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 10,2 tỷ đồng cho 137 hộ vay. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hằng năm, hội kiểm tra 100% tổ tiết kiệm vay vốn và các hộ vay, từ đó kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để giúp đỡ. Đến nay, toàn hội chỉ còn 23 hộ hội viên nghèo, bình quân mỗi năm hội hỗ trợ 2 hộ hộ viên vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tràng Định đánh giá: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Tiến và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác luôn làm tốt công tác nhận ủy thác vốn vay với ngân hàng. Song song với giải ngân cho vay vốn kịp thời, xã cũng quản lý hiệu quả nguồn vốn, nhiều năm liền xã không có nợ quá hạn; tỷ lệ thu nợ, thu lãi hàng tháng đều đạt 100%; 100% tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, khá. Với những kết quả đó, tháng 7/2024, xã Tân Tiến được Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đời sống của người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng lên. Toàn xã hiện có 130 hộ có thu nhập bình quân từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Hiệu quả nguồn vốn đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 4,8%, bình quân giảm 2 – 3%/năm.

HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tan-tien-nguoi-dan-vuon-len-tu-nguon-von-vay-uu-dai-5017332.html
Zalo