Tàn tích 'hành tinh tuyết' đã mất lộ ra trên đỉnh núi ở Mỹ

Mắt xích còn thiếu để chứng minh giả thuyết về một hành tinh tuyết phủ tồn tại 700 triệu năm trước đã lộ diện.

Theo Science Alert, khoảng 700 triệu năm trước, Trái Đất đã nguội đi rất nhiều đến nỗi các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng nó đã biến thành một quả cầu tuyết hoàn toàn khác biệt với hình ảnh hành tinh xanh quen thuộc.

Kỷ băng hà toàn cầu này được cho là đã kéo dài suốt hàng chục triệu năm, tưởng chừng đã ngắt mạch tiến hóa của sự sống sơ khai trên hành tinh.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu là sự sống Trái Đất không chỉ tồn tại mà được kích thích để bùng nổ mạnh mẽ, với sự sống đa bào xuất hiện lần đầu sau khi băng tan.

Trái Đất có thể từng biến thành một hành tinh tuyết - Ảnh đồ họa: ĐẠI HỌC YALE

Trái Đất có thể từng biến thành một hành tinh tuyết - Ảnh đồ họa: ĐẠI HỌC YALE

Nhưng các mảnh ghép của bức tranh "hành tinh tuyết" cổ xưa này vẫn còn thiếu.

Các bằng chứng về thời kỳ này chủ yếu được tìm thấy từ đá trầm tích lộ ra ở những khu vực từng nằm dọc theo bờ biển và các vùng biển nông vĩ độ cao, cũng như thông qua các mô hình khí hậu.

Từ lâu, các nhà khoa học luôn tìm kiếm bằng chứng vật lý cho thấy những vùng ấm áp ngày nay từng có băng tuyết phủ kín trong thời kỳ đó.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học địa chất tuyên bố đã tìm ra mắt xích còn thiếu đó trong một loại đá sa thạch cuội khác thường nằm bên trong đá granite tạo nên Đỉnh Pikes (Pikes Peak) ở bang Colorado - Mỹ.

Đỉnh Pikes, đỉnh núi cao nhất của dãy Rocky, ban đầu được người Ute đặt tên là Tavá Kaa-vi chính vì những tảng đá kỳ lạ này.

Nếu xẻ đôi một tảng đá, bạn sẽ thấy họa tiết kỳ lạ do một chất lỏng giàu cát như được tiêm vào đá từ thời cổ đại.

Một lời giải thích khả thi cho nguyên nhân tạo ra những khối đá sa thạch bí ẩn này là áp lực cực lớn của lớp băng phía trên - tồn tại khi địa cầu hóa "tuyết cầu" - đã khiến trầm tích trộn lẫn với nước tan chảy bị bơm vào lớp đá yếu bên dưới.

Các phương pháp nhằm xác định niên đại tiên tiến cho thấy quá trình bơm cát này đã xảy ra từ 690 đến 660 triệu năm trước.

Khung thời gian này có nghĩa là những khối đá sa thạch này được hình thành trong kỷ Thành Băng (Cryogenian), từ 720 triệu đến 635 triệu năm trước.

Tên này bắt nguồn từ "sinh ra trong thời tiết lạnh" trong tiếng Hy Lạp cổ đại và đồng nghĩa với sự biến động khí hậu tác động mạnh mẽ đến sự sống hành tinh, bao gồm cả việc cả địa cầu biến thành một hành tinh tuyết.

Như vậy, các mảnh ghép cuối cùng đã khớp.

Nguyên nhân gây ra thời tiết cực lạnh vào thời điểm đó vẫn đang được tranh luận, nhưng các lý thuyết phổ biến cho rằng điều này liên quan đến những thay đổi trong hoạt động kiến tạo trước đó.

Quá trình này có thể dẫn đến các hiện tượng như núi lửa phun đồng loạt và dữ dội, giải phóng các hạt vào khí quyển và chặn đi ánh nắng cần thiết để sưởi ấm hành tinh, tạo nên một "mùa đông núi lửa" khủng khiếp.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tan-tich-hanh-tinh-tuyet-da-mat-lo-ra-tren-dinh-nui-o-my-196241113112842202.htm
Zalo