Tán thành quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ
Thẩm tra dự án Luật Dẫn độ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với quy định của dự thảo về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Dẫn độ và cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên…
Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ (Điều 5), UBPLTP tán thành việc quy định cụ thể các điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại và giao Bộ Công an quyết định việc áp dụng nguyên tắc này trong dẫn độ; trường hợp cần thiết, Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định.
Về dẫn độ có điều kiện, UBPLTP cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này vì phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về dẫn độ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi những loại điều kiện mà Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ để tránh tùy nghi trong quá trình thực hiện.
Về thông báo liên quan đến hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ (Điều 13), UBPLTP cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật và cho rằng, việc bổ sung quy định cụ thể phương án xử lý trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình sẽ góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dẫn độ, đặc biệt là trước các yêu cầu từ những quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình.

Quang cảnh phiên họp
Về xử lý trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ của Việt Nam (Điều 25), UBPLTP nhận thấy, việc chuyển giao hồ sơ vụ án hình sự cho nước ngoài để tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ công dân nước ngoài là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không bỏ lọt tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, đối với trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam, đề nghị cần có đánh giá tác động, cân nhắc kỹ về tính khả thi.
Về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ (Điều 33), UBPLTP cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật và nhận thấy, đây là quy định mới nhằm nội luật hóa các cam kết của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên thực tế, bảo đảm việc thực hiện yêu cầu dẫn độ được hiệu quả, tránh trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hànhcũngchưa có quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ khi chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự (cũng được trình Quốc hội tại Kỳ họp này).