Tân Tạo (ITA) bị kiểm toán 'xa lánh'

Bị cả 30 công ty kiểm toán từ chối nên Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo, mã ITA) không thể nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và báo cáo bán niên 2024 soát xét.

Cổ phiếu ITA của Tân Tạo hiện có mức giá 3.490 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 30% so với ngày 16/7/2024, sau khi chỉ được giao dịch phiên chiều

Cổ phiếu ITA của Tân Tạo hiện có mức giá 3.490 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 30% so với ngày 16/7/2024, sau khi chỉ được giao dịch phiên chiều

Kiểm toán sợ “gương tày liếp”

Ngày 4/9/2024, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có công văn gửi Tân Tạo nhắc nhở về việc chậm công bố thông tin báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024.

Trước đó, HOSE nhiều lần nhắc nhở Tân Tạo về việc chậm công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên 2023, khiến cổ phiếu ITA bị cắt margin từ ngày 3/1/2024 và bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) kể từ ngày 16/7/2024.

Ngày 27/8/2024, Tân Tạo có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE cho phép Công ty tạm hoãn công bố thông tin đối với các báo cáo nói trên do chưa tìm được đơn vị kiểm toán (cả 30 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán năm 2023 đều từ chối).

Theo Tân Tạo, các công ty kiểm toán không dám kiểm toán cho Công ty vì e ngại nguy cơ bị đình chỉ tư cách kiểm toán viên, tương tự như trường hợp 4 kiểm toán viên thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Tân Tạo năm 2021, 2022 và bán niên 2023 bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán trong 2 năm (gồm 2 kiểm toán viên của Công ty Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam và 2 kiểm toán viên của Công ty TNHH Ernst & Young). Các công ty kiểm toán sẽ thực hiện kiểm toán cho Tân Tạo nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE có văn bản cho phép với “đảm bảo” không đình chỉ tư cách kiểm toán viên có thời hạn.

Yếu tố nội tại phức tạp

Có ý kiến cho rằng, các công ty kiểm toán e ngại yếu tố nội tại phức tạp của Tân Tạo nên từ chối nhận kiểm toán báo cáo tài chính, nhưng nếu các kiểm toán viên làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đưa ra những đánh giá khách quan thì việc gì phải “sợ”.

Hiện chưa có công bố chính thức về lý do 4 kiểm toán viên cho Tân Tạo bị tước giấy phép hành nghề có thời hạn, nhưng trong giai đoạn 2021 - 2022 đã xảy ra nhiều vụ việc “nhạy cảm” đối với các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Một trong những câu chuyện gây xôn xao tại Tân Tạo là doanh nghiệp tạm ứng 1.973 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến đầu tư ở Mỹ, sau đó đính chính chỉ chi 633 tỷ đồng.

Tân Tạo là doanh nghiệp gắn với tên tuổi của người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thị Hoàng Yến (tên mới hiện nay là Maya Dangelas) và em trai bà Yến là ông Đặng Thành Tâm (ở vai trò điều hành), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC).

Doanh nghiệp là chủ đầu tư của nhiều dự án ở khu vực phía Nam như Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Tân Đức, Khu E-City Tân Đức, Khu dân cư Tân Đức…

Tân Tạo niêm yết cổ phiếu ITA trên HOSE ngày 15/11/2006 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 54.000 đồng/cổ phiếu, đến ngày 28/2/2007 đạt 169.000 đồng/cổ phiếu, đưa bà Đặng Thị Hoàng Yến trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán lúc bấy giờ.

Sau giai đoạn 2008 - 2010 đạt doanh thu nghìn tỷ đồng và lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, Tân Tạo bắt đầu gặp khó khăn và lâm vào tình trạng nợ nần do đầu tư mở rộng sang bất động sản dân sinh, điện, đào tạo… Khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thị Hoàng Yến bất ngờ vắng bóng trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên, chỉ quay lại từ năm 2021 với tên gọi mới là Maya Dangelas.

Tháng 9/2022, Tổng cục Thuế có văn bản gửi Cục Thuế TP.HCM yêu cầu rà soát số liệu kê khai thuế của Tân Tạo, phối hợp với ngân hàng xác minh số tiền mà Tân Tạo đã tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm; đồng thời bổ sung Tân Tạo vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất và thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay.

Thời điểm đó, dư luận xôn xao khi báo cáo tài chính quý II/2022 của Tân Tạo thể hiện việc tạm ứng 1.973 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến tham gia dự án ở Mỹ. Sau khi báo chí phản ánh, Tân Tạo điều chỉnh khoản phải thu đối với bà Yến trên bản đính chính báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 từ 1.973 tỷ đồng xuống 633 tỷ đồng với lý do trước đó đã “hạch toán sai”.

Điều đáng nói ở chỗ, đây là số tiền chuyển ra nước ngoài rất lớn, liên quan đến nhiều địa phương và bà Đặng Thị Hoàng Yến có quốc tịch Mỹ. Ngoài ra, dư luận cũng đặt câu hỏi về tính minh bạch của nguồn tiền khi trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Tân Tạo trong 3 năm gần nhất (2019, 2020 và 2021), vào thời điểm cuối năm, doanh nghiệp có khoản tiền mặt và tương đương tiền lần lượt là 102 tỷ đồng, 82 tỷ đồng và 231 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 3 lần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị giải trình về số tiền này, ITA vẫn không lên tiếng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ITA hiện có mức giá 3.490 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 30% so với ngày 16/7/2024, sau khi cổ phiếu chỉ được giao dịch phiên chiều do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.

Theo báo cáo tài chính tự lập, quý II/2024, Tân Tạo ghi nhận doanh thu 70,9 tỷ đồng, giảm 13%; lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp cho biết, lãi tăng chủ yếu do chi phí tài chính âm 20,5 tỷ đồng (trong đó, chi phí lãi vay âm 19,9 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Tân Tạo đạt 142,2 tỷ đồng doanh thu, giảm 0,4% và 64,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái; lần lượt hoàn thành 12% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Năm 2023, Tân Tạo đạt 576,3 tỷ đồng doanh thu và 205,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; hai năm 2021 và 2022, doanh nghiệp lần lượt lỗ 404,1 tỷ đồng và lỗ 257,8 tỷ đồng.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tan-tao-ita-bi-kiem-toan-xa-lanh-post353313.html
Zalo