Tẩn Mý Xuân: Người giữ lửa văn hóa Dao Khâu qua nghề thêu may
Vừa duy trì nghề thêu may trang phục truyền thống, chị Tẩn Mý Xuân, người con của đồng bào Dao khâu ở huyện vùng cao Sìn Hồ-Lai Châu cũng đã mạnh dạn thay đổi, cách tân bộ trang phục truyền thống dân tộc mình theo hướng gọn gàng, linh hoạt, phù hợp hơn.
Các bộ trang phục dân tộc được cách tân không chỉ được bà con người Dao xa gần đón nhận, mà còn tạo được việc làm cho nhiều lao động là chị em phụ nữ Dao trên địa bàn.
Bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao khâu thường được làm thủ công nên mất nhiều thời gian. Chỉ riêng bộ trang phục của người phụ nữ Dao Khâu, với phần thêu thùa những đường nét hoa văn cầu kỳ, đính hàng cúc bạc ở trước áo, đính các hạt cườm xen kẽ các mảng hoa văn thắt lưng… đã mất tới ít nhất nửa năm mới xong.
![Trang phục của phụ nữ Dao Khâu sau khi được cách tân vừa giữ được các nét đẹp truyền thống, vừa đẹp mắt](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51463112/030f5f4d6f03865ddf12.jpg)
Trang phục của phụ nữ Dao Khâu sau khi được cách tân vừa giữ được các nét đẹp truyền thống, vừa đẹp mắt
Chị Tẩn Mý Xuân chia sẻ: “Từ khi bé tôi đã được bà, được mẹ truyền day làm bộ trang phục truyền thống của Dân tộc mình. Để làm được bộ trang phục như thế này mất rất nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi người thêu phải kỳ công để làm. Tuy nhiên giá thành hiện nay không cao, không đáp ứng được công sức mà người làm thủ công bỏ ra”.
Nhận thấy thực tế hiện nay phong trào văn hóa văn nghệ ở các xã, bản phát triển và nhu cầu về trang phục biểu diễn là trang phục truyền thống ngày một nhiều, chị Xuân đã ấp ủ và triển khai mở rộng nghề thêu may trang phục truyền thống cách tân tại địa phương.
![Hạt cườm xen hoa văn giúp chiếc thắt lưng váy của chị em thêm rực rỡ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51463112/c14fa30d93437a1d2352.jpg)
Hạt cườm xen hoa văn giúp chiếc thắt lưng váy của chị em thêm rực rỡ
Chị Xuân nói: “Cách tân, cải tiến trang phục truyền thống của dân tộc Dao Khâu được mình ấp ủ từ lâu do niềm yêu thích của mình đối với trang phục dân tộc và niềm đam mê với thêu thùa. Mục đích của mình là muốn gắn kết đồng bào dân tộc cùng nhau gìn giữ nét văn hóa truyền thống, cũng như đưa các sản phẩm đến với thị trường nhiều hơn, tăng thêm thu nhập cho chính mình và chị em người Dao".
Để thực hiện, chị Tẩn Mý Xuân đã đặt hàng, thu mua sản phẩm dệt truyền thống của bà con bản địa, sau đó thiết kế, cách tân các sản phẩm trang phục truyền thống của mình. Rút ngắn thời gian làm bộ trang phục dân tộc Dao, chị Xuân lập nhóm gồm những thành viên có cùng đam mê thêu thùa, trong đó nhóm chị em chuyên làm khăn quấn đầu, nhóm chị em chuyên thêu quần, có nhóm chị em lại chuyên làm áo. Sản phẩm sau khi hoàn thành làm sao vẫn đảm bảo các phần cơ bản của trang phục truyền thống, giữ nguyên các họa tiết cổ, nhưng được cách tân, giản tiện một số chi tiết, vừa thông dụng, lại bắt kịp xu thế hiện đại.
![Bộ trang phục được cách tân, giản tiện và có thể mặc ở nhiều hoạt động văn hóa-thể thao-lễ hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51463112/919af7d8c7962ec87787.jpg)
Bộ trang phục được cách tân, giản tiện và có thể mặc ở nhiều hoạt động văn hóa-thể thao-lễ hội
![Khăn voan trùm đầu cô dâu được cách tân sang màu đỏ thêm rực rỡ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51463112/2efd42bf72f19bafc2e0.jpg)
Khăn voan trùm đầu cô dâu được cách tân sang màu đỏ thêm rực rỡ
Bà Chẻo Mý Lù, ở xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu nhận xét: Với sự đa dạng, phong phú về mẫu mã sản phẩm, bắt mắt, giá thành rẻ, thời gian hoàn thành ngắn chỉ còn khoảng nửa tháng, các bộ trang phục truyền thống cách tân của chị Xuân đã được bà con đồng bào Dao Khâu các xã, bản đón nhận: “Trước đây để làm và mặc trang phục của dân tộc Dao Khâu mất nhiều thời gian và công đoạn. Bộ trang phục cách tân tôi thấy gọn gàng và dễ chịu. Bộ trang phục truyền thống mặc thường ngày khi chưa cách tân có giá giá hơn mười triệu đồng, sau khi cách tân giá cả phù hợp hơn, bộ trang phục của nữ chỉ hai triệu rưỡi đến ba triệu đồng”.
Không chỉ góp phần vào việc gìn giữ văn hóa dân tộc Dao khâu, hiện nay, tiệm thêu may trang phục truyền thống của chị Tẩn Mý Xuân còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 chị em với mức lương 5 triệu đồng một tháng. Chị Tẩn Phàn Mẩy ở Tả Phìn, thị trấn Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu chia sẻ, chị rất vui vì đã đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cùng chị Tẩn Mý Xuân, để nghề thêu may trang phục truyền thống không bị mai một.
![Trang phục cưới của cô dâu, chú rể Dao Khâu được cách tân, vừa đẹp, vừa thông dụng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51463112/2d5d421f72519b0fc240.jpg)
Trang phục cưới của cô dâu, chú rể Dao Khâu được cách tân, vừa đẹp, vừa thông dụng
Chị Mẩy nói: “Tôi nghĩ việc bảo tồn các giá trị văn hóa không phải là một vấn đề quá khó, mình chỉ cần giữ những gì phù hợp với hiện tại, những gì không tiện dụng đã lạc hậu thì mình bỏ đi. Chị Xuân đã sáng lập và bỏ ra rất nhiều công sức để thiết kế trang phục Dao. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm ra những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mong muốn sản phẩm của chúng tôi làm ra sẽ được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là tạo được nguồn thu nhập cho chị em và lưu giữ nghề truyền thống thêu thùa trang phục dân tộc”.