Tản mạn một góc trời Âu

2023 là một năm kì lạ, là năm tôi làm một chuyện chưa từng đoái hoài hay mơ tưởng tới chỉ vài năm trước đó – đi du học. Điểm đến của tôi là thành phố Brasov ở Transylvania miền Trung Romania – đất nước của những tòa lâu đài và ma cà rồng từ thời Trung Cổ. Lần đầu làm thủ tục bay đi nước ngoài và sinh sống một mình tại một thế giới khác hoàn toàn với Việt Nam, 2023 đối với tôi như chia ra hai nửa khác biệt.

Quảng trường trung tâm của thành phố Brasov, Romania. Ảnh: Quốc Trần

Quảng trường trung tâm của thành phố Brasov, Romania. Ảnh: Quốc Trần

Ghét…

Tôi đọc thấy rằng đất nước và người dân Romania chịu nhiều định kiến từ các quốc gia khác trên thế giới. Họ cho rằng Romania “không phải là một nơi an toàn”, còn người Romania thì “lười biếng”. Điều này không biết trong quá khứ thì thế nào chứ tôi chỉ biết rằng từ lúc đến đây, tôi luôn cảm thấy an toàn dù cho có đi bộ một mình trên đường phố vắng vào buổi tối. Tôi cũng chưa bị bất kì người Romania nào đối xử khiếm nhã.

Ngược lại, nhiều người trong số họ còn vô cùng hiếu khách và nhiệt tình. Chẳng hạn vào ngày tôi lên trường làm hồ sơ nhập học, tìm mãi không thấy phòng công tác sinh viên khoa tôi nằm ở đâu nên hỏi thăm hai sinh viên đứng gần đó. Không chần chừ, một người đi vào lớp để hỏi còn người kia rút điện thoại ra gọi cho ai đó.

Sau khi biết được vị trí tôi cần tìm, họ liền dẫn tôi tới tận nơi. Sự giúp đỡ nhiệt tình ấy cùng tình cảm của những người bạn trong lớp tôi khiến tôi nhận ra những nhận xét đầy định kiến về con người Romania sai hoàn toàn.

Tôi làm quen và trò chuyện với một số người bạn Romania trên lớp đại học. Một vài người trong số đó tâm sự rằng họ dự định đi tìm cơ hội việc làm tại các quốc gia châu Âu khác như Đan Mạch hay Na Uy vào kì nghỉ hè hoặc sau khi học xong thay vì ở lại Romania lập nghiệp. Lý do chủ yếu nhất vẫn xoay quanh mức thu nhập.

Tìm hiểu thì được biết tiền lương trung bình mỗi năm của Romania thuộc hàng thấp nhất so với các quốc gia EU khác. Do đó, Romania là đất nước có tỉ lệ người trẻ sống và làm việc tại nước ngoài cao nhất châu Âu. Khi những người trẻ đã bỏ đi để tìm lối thoát cho chính mình, liệu còn mấy ai có thể duy trì những giá trị độc nhất của văn hóa Romania?

Vào một buổi chiều tà, khi chúng tôi vừa tản bộ đến một tiệm thức ăn nhanh sau giờ học vừa bàn về cuộc sống nơi đây, cậu bạn cùng lớp người Romania tên là Cristian đã buông ra một câu có phần cay đắng: “Không ai ghét Romania hơn chính người dân nước này”. Nguyên nhân của sự ghét bỏ này cũng tương tự với lí do nhiều người trẻ di cư ra nước ngoài: thu nhập thấp, thiếu việc làm, và nạn tham nhũng...

Góc trời Âu này đem lại cho tôi một cảm giác khá lạ lẫm, pha chút cô đơn. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng khoảng thời gian ta cô đơn vẫn được tính là thời gian quý báu của ta trên cuộc đời này. Vì vậy tôi trân trọng từng phút giây đang có ở đất nước Romania, bởi có thể cảm giác và dư vị đó sẽ không lặp lại…

Tác giả hòa cùng không khí đón chào năm mới 2024 tại Brasov

Tác giả hòa cùng không khí đón chào năm mới 2024 tại Brasov

…và yêu

Tôi thấy tình yêu nước và lòng tự hào của họ cũng giống tình cảm chúng ta dành cho Việt Nam. Thông qua những người bạn ở đây, tôi biết rằng người dân Romania luôn tự hào về những thành tựu họ đạt được trên trường quốc tế trong mọi lĩnh vực, ví dụ như thể thao, cuộc thi giáo dục hay nghệ thuật.

Những lúc đó, mọi người dân Romania đều hướng trái tim về những người đem lại vinh quang cho đất nước, giống như cách người Việt Nam mình vỡ òa hạnh phúc, tự hào với đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết U23 châu Á kinh điển vào năm 2018 tại Thường Châu phủ trắng tuyết.

Người Romania luôn tự hào về những giá trị truyền thống của đất nước mình. Một cô bạn cùng lớp đã cho tôi xem hình ảnh về tòa lâu đài Peles – một trong những tòa lâu đài đẹp nhất châu Âu, và vô cùng hào hứng giới thiệu một số sự thật thú vị về nó, khiến tôi tự nhủ nhất định phải đi tham quan nơi này ít nhất một lần.

Những người bạn còn thi nhau giới thiệu những món ăn truyền thống ở Romania khi biết tôi chưa thử bất kì món ăn bản địa nào từ lúc đặt chân tới đây. Mắt họ sáng bừng lên trong lúc miêu tả cho tôi một món ăn quan trọng nhất của người Romania vào các dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh hay các sự kiện quan trọng – Sarmale (bắp cải cuộn với nhân thịt, cá hoặc nấm dành cho người ăn chay).

Để nấu được món ăn truyền thống này, người đầu bếp phải tốn đến 3 tiếng đồng hồ, vì vậy không dễ gì có thể kiếm được Sarmale tại các nhà hàng và người Romania thường tự nấu món này tại nhà.

Ngoài ra các bạn còn khuyên tôi thử món ăn đường phố Mici (những cục xúc xích nhỏ nhắn làm từ thịt bò, đôi khi có trộn thêm cả thịt bê và cừu cùng với nhiều loại gia vị khác nhau khiến món ăn này trở nên đậm vị) và món rượu nóng vin fiert (rượu vang đỏ được đun nóng cùng với các hương liệu như quế, đinh hương và vỏ cam) không thể thiếu trong mùa lễ Giáng sinh.

Thật may mắn khi tôi đã được thử qua hai trong ba món nói trên. Món rượu nóng thì tôi mua tại chợ Giáng sinh còn món bắp cải cuộn thì tôi được chủ nhà tặng vào dịp lễ vừa qua, kèm theo món súp chua (cũng là một đặc sản của Romania) và salad thịt gà béo ngậy.

Qua vẻ tự hào ánh lên trong đôi mắt và nét mặt, sự hào hứng hiện rõ trong giọng nói của những người bạn tôi trong lúc giới thiệu về những giá trị truyền thống Romania, tôi cảm nhận được tình yêu nước của họ. Tôi biết họ không ghét bỏ quê hương mình, mà đơn thuần chỉ là chưa bằng lòng với những di chứng của cơ chế quản lý nhà nước cũ hàng chục năm trước đến bây giờ vẫn chưa thể hoàn toàn đổi mới mà thôi.

Thống kê của Reuters cho thấy một dấu hiệu đáng mừng rằng Romania đang âm thầm đuổi kịp các quốc gia láng giềng giàu có hơn để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực Đông Âu sau Phần Lan. Có lẽ trong một tương lai không xa nữa, người trẻ Romania sẽ không còn phải xem việc nhập cư sang các quốc gia khác là sự lựa chọn duy nhất để tạo dựng sự nghiệp vững chắc.

Ngồi ở một nơi xa

Đã hơn ba tháng trôi qua, tôi không còn có thể tự do sử dụng tiếng Việt ở bất cứ nơi nào tôi đến, với bất kì người nào trên đường, tôi đã phải giấu kín đi một phần quan trọng của con người mình.

Ngôn ngữ là gì nếu như không phải là một đặc trưng cho căn tính của bản thân? Tôi có thể sử dụng tiếng Anh ở mức ổn, nhưng đôi khi trong những cuộc đối thoại trên lớp, từ ngữ của tôi trở nên khan hiếm, hay thậm chí còn mất tích, chỉ còn để lại một đầu lưỡi ngập ngừng và một tâm trí trống rỗng. Tôi không còn khả năng diễn đạt ý tưởng của bản thân một cách mạnh mẽ như tôi làm với tiếng Việt, hay nói cách khác, tôi không còn là chính tôi lúc cũ.

Không những vậy, tôi chỉ có thể trò chuyện với những người bạn học cùng lớp và giảng viên bởi vì thứ ngôn ngữ áp đảo trong cuộc sống thường ngày ở đây vẫn là tiếng Romania – một thứ ngôn ngữ vẫn quá đỗi xa lạ với tôi.

Món bắp cải cuộn thịt Sarmale và rượu nóng Vin fiert. Ảnh: Quốc Trần

Món bắp cải cuộn thịt Sarmale và rượu nóng Vin fiert. Ảnh: Quốc Trần

Sinh sống tại một quốc gia không đa dạng sắc tộc, tôi hiếm khi bắt gặp những người da màu, trong đó có châu Á. Đi giữa dòng người da trắng khu vực Đông Âu, tôi không thể thoát khỏi cảm giác của một kẻ ngoại cuộc theo như cách Albert Camus mô tả nhân vật chính của mình trong cuốn tiểu thuyết Kẻ Ngoại Cuộc.

Tôi không có bất kì mối liên hệ nào với họ, từ nguồn gốc chủng tộc, văn hóa cho đến ngôn ngữ và những cảm xúc mãnh liệt. Tôi chỉ đơn thuần là một người quan sát đứng ở ngoài rìa cuộc sống đang diễn ra nơi này, luôn đóng vai trò là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư ghi chép những sự kiện và hiện tượng thông qua ống kính máy ảnh, và một tay viết non nớt cố gắng biên dịch những cảm xúc rối ren vào từng câu chữ.

Nhưng tôi nghĩ điều này cũng có cái hay của riêng nó. Mỗi con người, mỗi câu chuyện, mỗi khung cảnh nơi chốn xa xôi này đều là một thứ tài nguyên quý giá cho bộ sưu tập đời sống của tôi.

QUỐC TRẦN (Brasov, Transylvania, Romania)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tan-man-mot-goc-troi-au-post1605677.tpo
Zalo