Tan hoang những cánh rừng sau bão Yagi, Quảng Ninh hồi sinh cách nào?
Quảng Ninh đang tìm giải pháp hồi sinh gần 120 nghìn ha rừng các loại bị bão Yagi tàn phá, ước thiệt hại trên 6.400 tỷ đồng, đang ảnh hưởng đến sinh kế của trên 22 nghìn hộ dân.
Tỷ phú trồng rừng trắng tay sau bão
Bão số 3 (Yagi) đã qua một tháng, nhưng tại Quảng Ninh, những cánh rừng bị tàn phá vẫn đang ngổn ngang. Nhiều tỷ phú trồng rừng ở địa phương này bỗng chốc trắng tay sau bão.
Xã Dương Huy, TP Cẩm Phả có trên 170 hộ bị bão số 3 tàn phá với tổng diện tích trên 1.000ha rừng trồng. Lãnh đạo UBND xã Dương Huy cho biết, ngay sau khi bão tan, chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát, kiểm kê lại diện tích rừng bị thiệt hại để đề xuất cơ chế khôi phục rừng, hỗ trợ người trồng.
Ông Lục Ích Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Tiến, xã Dương Huy cho biết, trong thôn có mấy chục hộ bị thiệt hại gần như hoàn toàn số rừng trồng. Trong đó, số rừng từ 5-7 năm thì còn tận thu được, nhưng số cây mới từ 2-4 năm thì phải chặt bỏ hoàn toàn.
"Nhiều hộ dân trong thôn đã đầu tư rất lớn vào vụ keo này. Không ít hộ phải thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng. Trận bão quét qua khiến nhiều hộ thiệt hại hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng, nên giờ họ không biết lấy gì trả ngân hàng, đầu tư khắc phục hậu quả", ông Long thông tin.
TP Hạ Long là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất về lâm nghiệp khi bão số 3 đổ bộ. Ước tính Hạ Long thiệt hại về rừng trồng khoảng trên 22.800/37.000ha, giá trị khoảng trên 1.140 tỷ đồng; thiệt hại 50ha rừng đặc dụng, giá trị khoảng 15 tỷ đồng.
Gia đình anh L (ở xã Dân Chủ) có mấy chục ha trồng keo sắp đến kỳ thu hoạch. Cơn bão quét qua đã khiến cho cánh rừng của gia đình anh L đổ rạp. Trước bão, giá keo từ 1-1.1 triệu đồng/tấn, nhân công chỉ khoảng trên 220 nghìn đồng/tấn. Sau bão, giá keo rớt xuống còn khoảng 750 nghìn đồng/tấn, giá nhân công lên tới 300 nghìn đồng/tấn, nhưng cũng rất khó thuê.
"Riêng công thuê thu phát thực bì sau bão đã mất khoảng 7,5-8 triệu đồng/ha. Vốn đầu tư vào rừng chưa kịp thu hồi đã bị bão làm thiệt hại lớn", anh L than.
Sớm xây dựng đề án hồi sinh những cánh rừng
Thống kê đến thời điểm này, bão số 3 đã làm gần 120 nghìn ha rừng các loại ở Quảng Ninh bị thiệt hại. Trong đó có gần 100 nghìn ha rừng trồng, ước thiệt hại trên 6.400 tỷ đồng, đang ảnh hưởng đến sinh kế của trên 22 nghìn hộ dân.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng rừng, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra còn ảnh hưởng tới những người làm nghề rừng, giảm tỷ lệ che phủ rừng, sản xuất giống, trồng rừng cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển lâm nghiệp.
Nguy cơ cháy rừng sau bão
Ông Nguyễn Thanh Khương, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ninh cho biết: Bão số 3 làm cho 117.000 ha rừng bị đổ, gãy, chủ yếu là thông, keo, bạch đàn. Cây đổ, gãy trở thành vật liệu rất dễ cháy, nhất là mùa hanh khô này. Hiện ước tính có khoảng 6 triệu tấnvật liệu rất dễ cháy tại hiện trường rừng bị thiệt hại.
"Từ sau bão số 3 đến nay, Quảng Ninh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng, trong đó Vân Đồn 3 vụ, Cẩm Phả 3 vụ, Hạ Long 1 vụ, Ba Chẽ 1 vụ, TP Móng Cái 1 vụ. Diện tích có rừng bị cháy khoảng 57,734 ha. Các địa phương đã huy động hơn 1.300 lượt cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm, công an, quân đội, lực lượng tại chỗ trực tiếp tham gia chữa cháy rừng", ông Khương thông tin.
Ông Nguyễn Thanh Khương, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, để hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chi cục đã hướng dẫn các địa phương cách thống kê, đánh giá lại tất cả diện tích rừng bị thiệt hại trên 30% trở lên để triển khai gói hỗ trợ theo quy định.
Theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 1568/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại trên 70% thì sẽ được hỗ trợ 4 triệu/ha và rừng bị thiệt hại từ 30-70% thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Dự kiến kinh phí hỗ trợ theo quy định này tại Quảng Ninh khoảng trên 233 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng bám sát Dự thảo Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng của Bộ NN&PTNT để hướng dẫn các chủ rừng lập hồ sơ và xác định thiệt hại đối với diện tích rừng trồng từ nguồn ngân sách nhà nước, rừng trồng thay thế. Đến nay, các địa phương ở Quảng Ninh đang tích cực tổ chức thực hiện công tác kiểm đếm, lập hồ sơ hỗ trợ.
Mặt khác, những hộ có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 3ha trở lên sẽ được xem xét hỗ trợ 20 triệu đồng/ha và 400.000 đồng/ha để thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ. Mức hỗ trợ này thực hiện theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ người trồng rừng khắc phục thiệt hại sau bão số 3 từ nguồn vốn của Mặt trận Tổ quốc tỉnh với mức hỗ trợ dọn vệ sinh môi trường rừng bị thiệt hại trên 30% là 1 triệu đồng/ha. Dự kiến kinh phí hỗ trợ đợt 1 là trên 77,5 tỷ đồng.
Ông Vũ Duy Văn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, cho biết, hiện nay, bên cạnh việc khẩn trương triển khai hỗ trợ người dân theo quy định của Trung ương, Sở đang phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan xây dựng đề án phát triển rừng sau bão số 3.
Trước mắt là hỗ trợ các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng; chuẩn bị nguồn cây giống đảm bảo chất lượng để cung ứng đủ cho người dân tổ chức trồng mới vào đầu năm 2025.
"Hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng bị thiệt hại do bão số 3 đang được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai để các nguồn hỗ trợ đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch để góp phần nhanh chóng khôi phục, phát triển lại nghề trồng rừng vốn là thế mạnh của địa phương", ông Văn khẳng định.