Tận dụng tốt hơn EVFTA, mở cánh cửa hợp tác mới giữa Việt Nam - Hungary

Hiệp định EVFTA tiếp tục mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại hàng hóa, đầu tư tại EU nói chung và Hungary nói riêng và ngược lại

“Cây cầu” kết nối hai khu vực châu Âu và Đông Nam Á

Ngày 3/2/1950, Hungary đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam) ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống này.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước luôn được củng cố thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Gần đây nhất, đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến chăm chính thức Hungary, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành của cả hai nước, tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary hồi tháng 1/2024- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary hồi tháng 1/2024- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhìn lại một năm sau chuyến thăm quan trọng này, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Bùi Lê Thái nhìn nhận, mặc dù tình hình thế giới, khu vực châu Âu tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng thương mai hai chiều vẫn phát triển. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu trong ASEAN của Hungary.

Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary đạt 932 triệu USD. FDI của Hungary vào Việt Nam đạt 72,36 triệu USD, đứng thứ 54/147 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam đã đầu tư sang Hungary 2 dự án với tổng số vốn là 5,8 triệu USD và hiện một dự án đầu tư lớn sang Hungary trị giá hơn 80 triệu USD đang ở giai đoạn xin giấy phép đầu tư.

Đại sứ Bùi Lê Thái nhấn mạnh, với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước và khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, chính sách Hướng Đông của Hungary cũng như chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, hai nước đã trở thành “cây cầu” kết nối hai khu vực châu Âu và Đông Nam Á. Những chủ trương, chính sách quan trọng này, cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo điều kiện mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế cho hai nước.

Chia sẻ rõ hơn về những tiềm năng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, ông Trần Ngọc Hà - Trưởng đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hungary cho biết nằm ở khu vực Trung - Đông Âu, với dân số 9,6 triệu người, mặc dù được đánh giá là không phải thị trường lớn trong khối EU nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước từ 354 triệu USD năm 2017, đến 2023 đã tăng lên trên 848 USD, đạt tốc độ tăng bình quân 24%/năm trong giai đoạn này. Năm 2024, thương mại hai chiều đã tăng lên 932 triệu USD.

"Kết quả này là minh chứng cho dấu hiệu phục hồi tích cực trong quan hệ thương mại song phương hai nước Việt Nam - Hungary sau đại dịch Covid-19 và mở ra những cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên" - ông Trần Ngọc Hà nhận định và cho biết thêm, năm 2024, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, Đại sứ quán Việt Nam và thương vụ đã đưa gạo Việt Nam mang thương hiệu ST25 vào các kênh phân phối lớn của nước này.

Việc đưa gạo Việt Nam lên kệ các siêu thị phân phối lớn của Hungary đã phần nào khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam tại Hungary nói riêng và châu Âu nói chung.

EVFTA mang lại cơ hội lớn

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Hungary, mặc dù có nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác song phương, song do đặc tính thị trường, thói quen tiêu dùng, nền tảng của thị trường truyền thống nên bạn hàng lớn nhất của Hungary trong cả xuất khẩu và nhập khẩu đều là EU, chiếm trên 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Không những vậy, vị trí địa lý cũng là rào cản trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường này. Hungary không có cảng biển, hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Hungary đều cập cảng tại một số nước châu Âu có cảng biển như Đức, Hà Lan, Italy... sau đó đưa về Hungary bằng đường bộ, dẫn đến chi phí hàng nhập khẩu vào Hungary cao hơn.

Mặt khác, do thuế VAT ở Hungary rất cao (27%), nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Việt Nam nhưng làm thủ tục thông quan tại một số nước EU có cảng biển hoặc nơi có thuế VAT thấp, sau đó mới phân phối tại Hungary.

Chính từ những rào cản này nên cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary trong những năm qua chủ yếu phụ thuộc vào nhóm hàng sản phẩm, linh kiện điện tử. Việc thị trường xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào một nhóm hàng là khá mạo hiểm, không mang tính bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, Hungary không có nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế lớn, phù hợp với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Do vậy, để công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu đem lại hiệu quả tốt, trong thời gian qua Thương vụ đã hướng tới việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiềm năng mà Hungary không sản xuất được như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo... cho dù dung lượng thị trường còn hạn chế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi tháng 1/2024

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi tháng 1/2024

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hungary diễn ra hồi tháng 1/2024

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hungary diễn ra hồi tháng 1/2024

Đưa ra giải pháp tháo gỡ những rào cản thương mại giữa hai nước, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary diễn ra hồi tháng 1/2024 tại Budapest, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho rằng, về khoảng cách địa lý, hai nước có thể mở các đường bay thẳng, đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân, đặc biệt là các sinh viên nước này đang học ở nước kia. Hiện có khoảng 900 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hungary theo diện học bổng Chính phủ.

Thủ tướng Viktor Orbán cũng đã chia sẻ tinh thần ủng hộ Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Với vai trò, vị trí của mình trong EU, Hungary tiếp tục thúc đẩy để các nước còn lại sớm phê chuẩn EVIPA, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường EU.

Bộ Công Thương cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã và đang tiếp tục mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại hàng hóa và đầu tư tại thị trường EU nói chung và Hungary nói riêng trong thời gian tới và ngược lại.

Theo Bộ Công Thương trong thời gian tới, hai Bên cần dành nhiều thời gian cùng nhau trao đổi, tìm ra các hướng ưu tiên hợp tác, tận dụng tối đa lợi ích từ các khung khổ hợp tác lớn là Hiệp định EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), cũng như thúc đẩy thực hiện các cam kết trong Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về kinh tế - thương mại giữa hai nước để đem lại các hiệu quả thiết thực và tích cực cho cả hai phía.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tan-dung-tot-hon-evfta-mo-canh-cua-hop-tac-moi-giua-viet-nam-hungary-372056.html
Zalo