Tận dụng nguồn lực tăng tốc tu bổ cơ sở vật chất trường lớp dịp hè

Nghỉ hè là thời điểm các trường tranh thủ để tu sửa cơ sở vật chất, kiểm tra trang thiết bị hư hỏng, đề xuất mua sắm, nâng cấp trường lớp.

Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn đang sửa chữa, mở rộng nhà đa năng để phục vụ cho năm học mới. Ảnh: NTCC

Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn đang sửa chữa, mở rộng nhà đa năng để phục vụ cho năm học mới. Ảnh: NTCC

Tận dụng nguồn lực

Như thông lệ, ngay sau khi kết thúc năm học cũ, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai) nhận bàn giao lớp học, thiết bị giảng dạy. Cùng đó, trường cử giáo viên, nhân viên rà soát lại phòng học, phòng chức năng, ký túc xá để sửa chữa một số hạng mục. Đối với thiết bị phòng thí nghiệm, bàn ghế chỗ nào hư hỏng có thể khắc phục thì huy động giáo viên, nhân viên, thậm chí phụ huynh tự sửa chữa để tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có.

Cô Nguyễn Khánh Chi – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà cho biết: “Với đặc thù trường vùng cao, đông học sinh bán trú, khu ký túc xá được đặc biệt quan tâm trong việc tu bổ. Nhà trường đã tiến hành kiểm tra hệ thống điện nước, giường ngủ, nhà tắm, tăng cường thêm thiết bị. Việc sửa chữa cố gắng hoàn thiện trước khi bước vào năm học mới để sẵn sàng phục vụ học sinh trở lại trường.

Thời gian nghỉ hè, do không có học sinh nên việc sửa chữa khá thuận lợi, các thầy cô nhà gần trường hoặc tranh thủ lên sớm để đẩy nhanh tiến độ, không ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của học sinh”. Cùng đó, để phòng tránh mưa bão có thể làm ẩm ướt, hỏng sách tại thư viện, thiết bị máy móc, thầy cô Trường THPT số 1 Bắc Hà tiến hành kiểm tra kỹ hệ thống cửa sổ, mái nhà; kê cao sách vở, thiết bị máy tính, máy in, máy chiếu bọc nilon để tránh hỏng hóc.

Thời điểm này, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) cũng tiến hành sửa chữa, gia cố lại cơ sở vật chất để giữa tháng 8 đón học sinh. Theo đó, nhà trường phân công cán bộ, nhân viên và quản sinh trực tiếp kiểm tra phòng học, khu ký túc xá, sân chơi học sinh và lập danh sách hiện trạng cơ sở vật chất, đề xuất phương án sửa chữa.

Cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Với khu ký túc xá, chúng tôi phải sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh, thay mới một số bồn cầu, vòi cấp nước, hệ thống chậu rửa mặt. Một số phòng ký túc có tình trạng sàn bong gạch lát cũng được tu sửa. Trường cũng quan tâm tới an toàn hệ thống bóng đèn, đường dây, ổ điện… nếu hư hỏng sẽ lập tức thay mới, bổ sung nhằm đảm bảo sinh hoạt, học tập cho học sinh tốt nhất.

Để giảm chi phí sửa chữa, với hạng mục thiết bị hư hỏng nhẹ, nằm trong khả năng, nhà trường huy động giáo viên, nhân viên, quản sinh hỗ trợ tự sửa; chỉ những thiết bị hỏng hóc nằm ngoài khả năng sửa trường mới thuê thợ để tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn lực. “Năm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng khu nhà đa năng, nhà trường xin dự án của UBND tỉnh sửa chữa, mở rộng để học sinh có không gian sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức hoạt động tập thể ngay trong trường”, cô Vương Xuân Thuận cho biết thêm.

Tại huyện Mường Khương (Lào Cai), nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất được thực hiện bằng hai nguồn lực (ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch, nguồn xã hội hóa của các mạnh thường quân, phụ huynh).

“Để chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị cho năm học mới, chúng tôi yêu cầu các nhà trường căn cứ vào số lượng học sinh, nhiệm vụ năm học; tu sửa cơ sở vật chất cũng như lên danh sách mua sắm trang thiết bị theo kế hoạch nhằm đảm bảo đủ thiết bị giảng dạy, đặc biệt thực hiện tốt nhất chương trình giáo dục năm học 2024 - 2025”, ông Nguyễn Văn Vinh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương (Lào Cai) thông tin.

Trao đổi về vấn đề nguồn lực để tu bổ trường lớp tại địa phương, ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cho hay: “Kinh phí phục vụ sửa chữa được trích từ nguồn ngân sách cấp cho các trường hằng năm. Ngoài ra, ngành Giáo dục địa phương, nhà trường tích cực vận động nguồn xã hội hóa.

Đơn vị nào phát sinh chi phí lớn sẽ làm đơn đề xuất xin ngân sách đầu từ công của huyện. Với tinh thần đó, ngành Giáo dục và các nhà trường đang chủ động, tích cực tận dụng mọi nguồn lực để tu sửa cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị trường lớp đón năm học mới”.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Trường lớp an toàn mùa mưa lũ

Những tháng hè đồng thời là mùa mưa, hay xảy ra bão lũ, sạt lở gây thiệt hại tới cơ sở vật chất nhiều trường học. Do đó, để bảo quản thiết bị dạy học, hạn chế tối đa cơ sở vật chất hư hỏng trong hè, ngành Giáo dục các địa phương đã chủ động chỉ đạo trường học thường xuyên kiểm tra trong quá trình trực trường; di chuyển trang thiết bị đến chỗ an toàn (chuyển lên tầng cao, phòng kiên cố).

Theo ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương (Lào Cai), trước khi nghỉ hè, phòng chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trực trường đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cơ sở vật chất trường học. Thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về mưa lũ, sạt lở để phòng tránh; di chuyển các thiết bị dạy học, máy tính vào phòng kiên cố đề phòng mưa bão lớn xảy ra ngập nước, không đủ nhân lực kịp thời di chuyển.

Đối với Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), do nằm ở vùng núi nên việc ứng phó với mưa lũ những tháng nghỉ hè là nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên mà nhà trường phải có kế hoạch, dự trù phương án.

Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hường: “Nhà trường lên lịch và phân công người trực rõ ràng ở trường chính để đảm bảo an toàn. Đối với cơ sở vật chất tại 6 điểm lẻ, trường cũng cử người kiểm tra thường xuyên; có bàn giao cơ sở vật chất về thôn, xã để tăng cường nhân lực quản lý suốt thời gian nghỉ hè.

Hệ thống máy tính và máy chiếu tại 6 điểm trường ngay sau khi kết thúc năm học được đóng gói, di chuyển về trường chính để bảo quản đề phòng mưa lũ hỏng hóc, mất mát. Vào đầu năm học mới, giáo viên dạy các điểm trường lẻ sẽ được bàn giao thiết bị để lắp đặt sử dụng dạy học”.

Trong thời gian nghỉ hè, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng chỉ đạo các trường di chuyển toàn bộ thiết bị máy móc phục vụ giảng dạy đến phòng kiên cố, tầng cao để bảo quản. Phân công bảo vệ, giáo viên trực thường xuyên kiểm tra đề phòng ẩm mốc hay có phát sinh cháy nổ để kịp thời ứng phó.

Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn trao đổi: “Các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương để tu sửa cơ sở vật chất hư hỏng. Tận dụng tối đa các thiết bị để tránh lãng phí. Thiết bị hay cơ sở vật chất hư hỏng nặng, phát sinh chi phí lớn phải làm đơn xin ngân sách địa phương để sửa chữa. Đối với đơn vị trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, sử dụng ngân sách địa phương, Nhà nước, trong thời gian nghỉ hè vẫn thi công bình thường để kịp tiến độ”.

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-dung-nguon-luc-tang-toc-tu-bo-co-so-vat-chat-truong-lop-dip-he-post691345.html
Zalo